Thứ 5, 28/03/2024 15:48:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:10, 15/01/2019 GMT+7

LAO ĐỘNG & CÔNG ĐOÀN

Giải pháp ngăn ngừa tranh chấp lao động tập thể và đình công trái pháp luật

Thứ 3, 15/01/2019 | 06:10:00 4,900 lượt xem

BP - Trên địa bàn tỉnh có 7 khu công nghiệp đang hoạt động, thu hút gần 45 ngàn lao động vào làm việc trong 179 dự án đầu tư. Các khu công nghiệp đã đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng công nghiệp, nâng cao giá trị xuất khẩu và sức cạnh tranh kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển, các mâu thuẫn và tranh chấp cũng bắt đầu phát sinh trong quan hệ lao động. Không được giải quyết kịp thời, thỏa đáng, đình công xảy ra là tất yếu. Nói cách khác, ngừng việc tập thể, hay đình công là biểu hiện của sự bế tắc trong quan hệ lao động, khi có xung đột về quyền và lợi ích mà không được giải quyết kịp thời. 

hơn 30 vụ Ngừng việc, đình công trái luật

Theo Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh, qua hơn 30 vụ ngừng việc tập thể và đình công của trên 17.000 lượt công nhân, lao động diễn ra từ năm 2013 đến nay, tất cả đều trái pháp luật. Vì theo quy định, đình công hợp pháp phải tuân thủ trình tự 4 bước: Lấy ý kiến đình công, ra quyết định đình công, lập biên bản yêu cầu, trao quyết định đình công và bản yêu cầu (ít nhất 5 ngày trước khi đình công), sau đó mới được đình công. Như vậy, một cuộc đình công hợp pháp phải mất từ 20 ngày đến gần 1 tháng, trong khi bức xúc của người lao động diễn ra hằng ngày, hằng giờ. Vì vậy, thay vì coi đình công như vũ khí sau cùng để giải quyết tranh chấp lao động, thì người lao động (NLĐ) bây giờ coi đình công là công cụ đầu tiên, nhằm đòi chủ sử dụng lao động giải quyết quyền lợi cho mình.

Doanh nghiệp phải xem công đoàn cơ sở là đối tượng thương lượng đúng nghĩa nhằm giải quyết kịp thời những thắc mắc và yêu cầu của người lao động, ngăn ngừa đình công trái pháp luật. Trong ảnh, Đại hội Công đoàn Công ty TNHH Shyang Ying, Khu công nghiệp Đồng Xoài II (ảnh minh họa) - S.H

Tính chất của tranh chấp lao động và đình công những năm trở lại đây cũng bắt đầu có sự chuyển đổi, từ đòi hỏi đáp ứng về “quyền” như: sa thải lao động không đúng quy định, đối xử của chủ sử dụng lao động với NLĐ, sang những yêu cầu cao hơn là “lợi ích”, nhằm cải thiện điều kiện làm việc, chất lượng bữa ăn ca và thu nhập cho NLĐ. Ngừng việc tập thể thường xảy ra ở các ngành gia công sử dụng nhiều lao động như dệt - may, da giày, chủ yếu từ các doanh nghiệp Đài Loan, Hàn Quốc. Thời gian ngừng việc không dài, từ 1-2 ngày, diễn ra một cách tự phát và khá ôn hòa.

NGUYÊN NHÂN

Nhận định về nguyên nhân dẫn đến ngừng việc tập thể và đình công, Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp khu vực Đồng Xoài - Đồng Phú Trần Bá Lợi cho rằng: “Bên cạnh việc doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động như ký hợp đồng chưa đúng luật, xây dựng thang bảng lương mang tính đối phó, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ, chỉ chạy theo lợi nhuận mà chưa quan tâm nhiều đến lợi ích của NLĐ, thì một nguyên nhân khác là do nhận thức về pháp luật lao động của NLĐ còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, tác phong công nghiệp trong một bộ phận lao động, nhất là lao động nông thôn trẻ bước ra từ ruộng vườn chưa tốt, dẫn tới ý thức chấp hành kỷ luật lao động chưa cao, dễ bị kích động và lôi kéo tham gia đình công trái pháp luật, gây bức xúc trở lại đối với chủ doanh nghiệp”. Đó là chưa kể đến sự khác biệt về văn hóa, hành vi ứng xử, làm quan hệ giữa NLĐ và người sử dụng lao động trở nên căng thẳng. Việc doanh nghiệp áp đặt định mức lao động cao, trong khi máy móc, công nghệ lạc hậu, nên để đạt được định mức theo quy định, NLĐ phải làm việc khoảng gần 12 giờ mỗi ngày, dẫn đến sức khỏe cạn kiệt, mà mức lương chưa đáp ứng mức sống tối thiểu. Thêm vào đó, khả năng thương lượng, đối thoại của công đoàn cơ sở để ký kết thỏa ước lao động tập thể, bảo vệ quyền lợi NLĐ chưa hiệu quả. Việc đối thoại, thương lượng giữa lãnh đạo doanh nghiệp và NLĐ chưa được quan tâm thực hiện. Ngay cả khi ngừng việc tập thể hay đình công xảy ra, công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp cũng chưa phát huy được vai trò chủ thể trong thương lượng, ngại và không dám đấu tranh vì sợ mất việc làm... đã gây bức xúc cho NLĐ dẫn đến ngừng việc và đình công.

cần có giải pháp đồng bộ

Qua hàng chục vụ đình công đã được giải quyết những năm qua có thể khẳng định, đình công thường xảy ra ở các doanh nghiệp mà người sử dụng lao động và NLĐ thiếu quan tâm, chia sẻ với nhau. Việc thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của NLĐ chưa công khai, minh bạch. Và điểm chung ở tất cả cuộc đình công, ngừng việc tập thể là sau đó đều được chủ doanh nghiệp đáp ứng một phần, hoặc toàn bộ yêu cầu của NLĐ. Từ đó cho thấy rõ thực tế, một khi doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm thỏa đáng tới việc chia sẻ lợi ích với NLĐ, thì đình công hay ngừng việc tập thể vẫn là một giải pháp hữu hiệu để NLĐ đòi hỏi quyền lợi của mình. Và nơi nào chủ doanh nghiệp đánh giá cao vai trò của công đoàn, tạo điều kiện để tổ chức này hoạt động, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ, kịp thời phản ánh, trao đổi, đề xuất với chủ doanh nghiệp giải quyết rốt ráo những vấn đề phát sinh thì nơi đó không hoặc ít xảy ra đình công. Làm tốt những nội dung nêu trên, không chỉ hạn chế được đình công mà còn tạo sự yên tâm cho NLĐ, tránh tâm lý chỉ xem nơi làm việc là chỗ làm tạm thời, sẵn sàng “nhảy việc” đến những nơi có thu nhập cao hơn.

Doanh nghiệp thường xuyên quan tâm chăm lo đời sống người lao động là cách tốt nhất giảm tình trạng đình công. Trong ảnh: Công đoàn Công ty TNHH Yakjin Sài Gòn, Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú tặng sổ tiết kiệm cho đoàn viên hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

Vì vậy, để hạn chế đình công tự phát cần phải có các giải pháp đồng bộ, cả trước mắt và lâu dài. Trước hết là phải khắc phục và triệt tiêu được các nguyên nhân dẫn đến đình công như đã đề cập ở trên. Đặc biệt, cần xây dựng quan hệ lao động ổn định, trên nền tảng chia sẻ lợi ích một cách hài hòa giữa NLĐ và doanh nghiệp. Trong đó chú trọng việc cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ, tạo chất keo gắn kết họ với doanh nghiệp. Đặc biệt là phải nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc đối thoại tại nơi làm việc, làm tốt công tác đàm phán, thương lượng thực chất, ký kết và thực hiện nghiêm túc thỏa ước lao động tập thể. Nhất là doanh nghiệp phải xem công đoàn cơ sở là đối tượng thương lượng đúng nghĩa, nhằm giải quyết kịp thời những thắc mắc và yêu cầu của NLĐ. Đối với tổ chức công đoàn, cần tiếp tục đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động, nâng cao năng lực cán bộ công đoàn cơ sở để có thể thực hiện tốt vai trò là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân, NLĐ. Đồng thời xử lý nghiêm những doanh nghiệp cố tình vi phạm pháp luật lao động.

Lê Trâm

  • Từ khóa
94504

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu