Thứ 4, 24/04/2024 16:06:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:44, 28/02/2019 GMT+7

Giải pháp tối ưu kiềm chế tai nạn giao thông

Thứ 5, 28/02/2019 | 08:44:00 176 lượt xem
BP - Ngày 19-2-2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 12/NQ-CP về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021. Theo đó, Chính phủ giao Bộ Công an lập đề án lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông và xử lý vi phạm gắn với an ninh trật tự trên địa bàn cả nước.

Theo báo cáo của Chính phủ, 7 năm thực hiện Nghị quyết số 88/2011/NQ-CP ngày 24-8-2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, công tác an toàn giao thông đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Năm 2011, số người chết do tai nạn giao thông 11.349 người thì đến năm 2014 đã giảm còn dưới 9.000 người và năm 2018 giảm còn 8.279 người. Mặc dù tai nạn giao thông có giảm nhưng số người chết và bị thương vẫn ở mức cao và còn xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng với số lượng thương vong lớn. Cụ thể, trong 5 ngày tết Nguyên đán vừa qua, cả nước xảy ra 7.280 trường hợp phải nhập viện cấp cứu do tai nạn giao thông, trong đó có 117 ca tử vong. Ngoài ra, vấn đề ùn tắc giao thông trên các trục đường chính, đầu mối giao thông trọng điểm, các đô thị, khu công nghiệp... đang có chiều hướng lan rộng, làm ô nhiễm môi trường, gây tổn thất lớn về kinh tế và để lại những hình ảnh không tốt đến môi trường du lịch.

Từ thực tế nêu trên, Chính phủ yêu cầu bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường chế tài xử lý nhằm đủ sức răn đe, giáo dục mọi đối tượng khi tham gia giao thông. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị; kiên trì xây dựng văn hóa giao thông đảm bảo sự an toàn và thân thiện cho các tầng lớp nhân dân, nhất là trong trường phổ thông. Đặc biệt, việc lắp đặt hệ thống camera là một biện pháp hay, liệu pháp mạnh trong giám sát, chỉ huy điều hành giao thông và xử lý vi phạm gắn với an ninh trật tự trên địa bàn cả nước. Bởi đây không chỉ là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cách mạng công nghiệp 4.0 đối với công tác quản lý, điều hành giao thông mà còn là công cụ hỗ trợ các hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Qua đó sẽ giải quyết được vấn đề “xin xỏ” khi bị xử lý trong vi phạm, hoặc hạn chế tiêu cực của lực lượng chức năng.

Tại Bình Phước, tình hình tai nạn giao thông đã từng bước được kiềm chế nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, nhất là tại thành phố Đồng Xoài. Những năm qua, tuy đã được đầu tư nhưng cơ sở hạ tầng về giao thông ở thành phố Đồng Xoài vẫn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Nhiều tuyến đường xuống cấp hoặc chưa được đầu tư xây dựng; không ít ngã ba, ngã tư... chưa có tín hiệu đèn giao thông. Trong khi đó, ý thức của người dân trong tuân thủ các quy định về Luật Giao thông đường bộ chưa cao. Vẫn còn tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, lấn tuyến, đi trái làn, ngược chiều... là nguyên nhân gây ra những vụ tai nạn giao thông ở thành phố trong thời gian qua. Vì vậy, trong bối cảnh hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng kịp nhu cầu giao thông, trong khi lực lượng chức năng còn “mỏng” thì việc lắp đặt camera là giải pháp tối ưu để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý hành vi vi phạm.

Tấn Phong

  • Từ khóa
109057

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu