Thứ 7, 20/04/2024 19:23:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:25, 18/04/2016 GMT+7

Giải quyết tranh chấp về BHXH giữa NLĐ với NSDLĐ

Thứ 2, 18/04/2016 | 15:25:00 2,147 lượt xem
BPO - Tòa án nhân dân tối cao vừa ban hành Văn bản số 105/TANDTC-PC&QLKH hướng dẫn thi hành Luật bảo hiểm xã hội. Theo đó, Tòa án nhân dân tối cao khẳng định thẩm quyền giải quyết tranh chấp về bảo hiểm xã hội giữa người lao động (NLĐ), tập thể lao động với người sử dụng lao động (NSDLĐ, như sau:

Theo quy định tại Khoản 7 Điều 3 của Bộ luật lao động năm 2012 thì: Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ và lợi ích phát sinh giữa các bên trong quan hệ lao động. Tranh chấp lao động bao gồm tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động và tranh chấp lao động tập thể giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động. Như vậy, tranh chấp lao động bao gồm 2 loại: Một là tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động; hai là tranh chấp lao động tập thể giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động và chủ thể của tranh chấp lao động phải là các bên trong quan hệ lao động.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 200, Điểm d Khoản 1 Điều 201, Điểm c Khoản 1 Điều 203 của Bộ luật lao động năm 2012, Điều 31 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 thì tranh chấp về bảo hiểm xã hội giữa người lao động với người sử dụng lao động, giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động là tranh chấp lao động và thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều 205 của Bộ luật lao động năm 2012 thì: Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền, Chủ tịch UBND cấp huyện phải tiến hành giải quyết tranh chấp lao động… Trong trường hợp các bên không đồng ý với quyết định của Chủ tịch UBND cấp huyện hoặc quá thời hạn mà Chủ tịch UBND cấp huyện không giải quyết thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

Như vậy, khi thụ lý, giải quyết các yêu cầu về bảo hiểm xã hội, các Tòa án cần lưu ý: Trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết tranh chấp mà các bên không đồng ý với quyết định của Chủ tịch UBND cấp huyện hoặc quá thời hạn luật quy định mà Chủ tịch UBND cấp huyện không giải quyết thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp tập thể về quyền. Trường hợp này, Tòa án thụ lý giải quyết và xác định đây là vụ án lao động. Trường hợp Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết tranh chấp mà các bên không đồng ý với quyết định của Chủ tịch UBND cấp huyện và khởi kiện đối với quyết định của Chủ tịch UBND cấp huyện thì Tòa án thụ lý giải quyết và xác định đây là vụ án hành chính.

NN

  • Từ khóa
7285

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu