Thứ 7, 20/04/2024 20:01:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:14, 04/02/2018 GMT+7

Giai thoại về Nguyễn Du

Chủ nhật, 04/02/2018 | 14:14:00 6,843 lượt xem
BP - Theo một bản gia phả của dòng họ Nguyễn ở làng Nghi Xuân, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, Nguyễn Du sinh ra trong gia đình đại quý tộc, nhưng năm 10 tuổi thì mất cha, 13 tuổi mất mẹ, rơi vào cảnh mồ côi phải ở cùng anh cả, có lúc làm con nuôi của một vị quan, cũng có khi đi giang hồ 3 năm ở Trung Quốc.

Chính điều kiện này, mà trong văn thơ của Nguyễn Du luôn luôn vang lên âm thanh, bừng lên màu sắc của sự sống, hằn lên những đường nét sắc cạnh của bức tranh hiện thực đa dạng. Và giữa những âm thanh, màu sắc, đường nét vô cùng phong phú đó, Nguyễn Du đã hiện ra vừa dạt dào yêu thương vừa bừng bừng căm giận. Đây là nét đặc sắc và cũng là tích cực nhất trong nghệ thuật của Nguyễn Du. Từ thơ chữ Hán đến Truyện Kiều (chữ Nôm), nó tạo nên cái sức sống kỳ lạ ở hầu hết tác phẩm của ông.

Minh họa: S.H

 Theo các tài liệu lịch sử còn lưu lại đến ngày nay, vào thời Lê mạt, anh em, con cháu dòng họ Nguyễn Tiên Điền, ở huyện Nghi Xuân vẫn thường xuyên giao du với con cháu dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Họ gặp nhau tại các đêm hát phường vải. Và Nguyễn Du đã có mối tình sâu nặng với hai cô gái hát ví phường vải đẹp người, đẹp nết, đẹp giọng, lại có tài bắt bẻ, ứng xử rất văn hóa.

Hai cô gái ấy là o Uy và ả Sạ. Cho đến ngày nay, biết bao thế hệ người đã qua song trong dân gian vẫn còn lưu truyền câu chuyện Nguyễn Du từ bên đông núi Hồng Lĩnh vượt qua Truông Cộng Khánh và bến Đò Cài để hát ví với các o phường vải thâu đêm suốt sáng với những lời thơ: Xôi nếp cái, gái Trường Lưu/Văn nhân, tài tử dập dìu/Xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang.

Chuyện kể rằng: Có lần Nguyễn Du từ quê hương Tiên Điền vượt qua Ngàn Hống (núi Hồng Lĩnh) sang làng Trường Lưu để tham dự đêm phường vải, nhưng hôm đó không may gặp phải trời mưa to gió lớn, đợi mãi không có người chèo đò qua sông Cài, bỗng có tiếng ví cất lên: Sóng to thuyền nhỏ khó sang/Thiếp nguyền thiên địa giúp chàng một phen... Hướng theo tiếng hát, có con đò nhỏ với một mái chèo con của một cô gái biết chàng trai họ Nguyễn muốn sang hát ví, nên chẳng quản gió mưa và đã chèo thuyền vượt sóng giúp chàng nho sĩ kịp về Trường Lưu để hát hội.

Thế rồi cũng vì say hát ví nên chàng trai họ Nguyễn Tiên Điền có mối tình quyến luyến với các cô gái Trường Lưu. Hát với nhau rồi thân nhau đến mức trai làng phải phát ghen lên và gây sự nổ pháo lói để phá đám. Vốn là người nhút nhát, sợ mang tai tiếng, Nguyễn Du trở về Tiên Điền và từ đó không dám sang làng Trường Lưu nữa. Vì sự việc ấy mà Nguyễn Huy Quýnh mới thác lời người con gái Trường Lưu gửi trai phường nón Tiên Điền mà rằng: Tảng mai hầu trở ra về/Hồn tương tư hãy còn mê giấc nồng/Cơi trầu chưa kịp tạ lòng/Tỉnh ra khách đã non sông mấy vời/Trời làm chi cực bấy trời/Cơi trầu này để còn mời mọc ai?/Tím gan hắt đổ ra ngoài/Trông theo truông Hống, đò Cài thấy đâu...

Cảm động trước tình cảm đó, Nguyễn Du đã viết bài “Thác lời Tiên Điền gửi gái Trường Lưu” với lời lẽ vô cùng thắm thiết: Tiếc thay duyên Tấn, phận Tần/Chưa quen đã lạ, chưa gần đã xa/Chưa chi đông đã rạng ra/Đến giờ chỉ giận con gà chết toi/Tím gan cho cái sao mai/Thảo nào vác búa chém trời cũng nên/Về qua liếc mắt trông miền/Lời oanh giọng ví chưa quên dằm ngồi/Giữa thềm tàn thuốc còn rơi/Bã trầu chưa quét nào người tình chung/Hồng Sơn cao ngất mấy tầng/Đò Cài mấy trượng thì lòng bấy nhiêu...

Và về sau khi nghe tin o Uy, o Sa đi lấy chồng, Nguyễn Du buồn giận và đã viết bài “Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ”,  với sự chua chát rằng: Những ngỡ trăm năm trước, hẹn hò đã chắc, để phũ phàng ba chốn bốn nơi/Nào ngờ tháng sau này, tệ bạc làm sao bỗng tống táng một tuần hai ả/O sao mà quên ta cho đành/Nói thế mà lấy chồng được ra tá?... Cũng theo giai thoại, Nguyễn Du tới Trường Lưu rồi quen và đem lòng thương nhớ các cô phường vải. Nhưng rồi ông đã không vượt qua được sự ghen tuông, đố kỵ của đám trai làng nên đã bỏ về Tiên Điền. Cô phường vải ở lại với cơi trầu ôi, chỉ biết trông theo Ngàn Hống, đò Cài, nhưng Hầu đã đi xa. Cô gái mang bệnh tương tư rồi bỏ cả nghề bông vải.

Lời bàn:

Ra đời trong thời trung đại, nhưng kiệt tác “Truyện Kiều” nói riêng và các tác phẩm thơ, văn khác của Nguyễn Du nói chung mang đậm những đặc điểm thi pháp truyền thống. Tuy nhiên, ngòi bút tài hoa của Nguyễn Du đã khiến không ít phương diện của tác phẩm đi trước thời đại. Một trong những yếu tố “hiện đại” tạo nên sức cuốn hút đối với mọi thời của “Truyện Kiều” chính là chủ đề tình yêu đôi lứa. Ở phương diện này, người đọc vừa khám phá vừa như được trải nghiệm sự phong phú, tinh tế của tâm hồn con người. Nguyễn Du đã diễn tả nó thật sự như trạng thái tâm sinh lý tự nhiên của con người.

Và tư tưởng ấy của Nguyễn Du tất yếu đi ngược lại giáo điều bất di bất dịch tồn tại hàng ngàn năm. Đó là, “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”, “trâu đi tìm cọc”, chứ không có chuyện “cọc đi tìm trâu” “lấy vợ kén tông, lấy chồng kén giống”, “nam nữ thụ thụ bất thân”, “môn đương hộ đối”... đều bị các nhân vật yêu nhau trong các tác phẩm của ông bứt tung một cách không thương tiếc. Song, để có được điều này, chính Nguyễn Du đã là người sống như chỉ còn một ngày để sống và ông cũng đã yêu như chỉ còn một ngày để yêu. Chính tình yêu mãnh liệt ấy đã giúp Nguyễn Du trở thành đại thi hào và “Truyện Kiều” trở thành kiệt tác của nhân loại.

N.D

  • Từ khóa
110014

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu