Thứ 6, 26/04/2024 10:33:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 15:13, 08/06/2016 GMT+7

Giai thoại về Nguyễn Huệ

Thứ 4, 08/06/2016 | 15:13:00 1,500 lượt xem

BP - Tại một làng quê tên Phú Lạc (thuộc xã Bình An, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định ngày nay), có một gia đình họ Nguyễn có ba người con trai tên: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ. Nguyễn Huệ sinh năm 1752 - tuy là em út nhưng vóc dáng cao lớn, luôn sẵn lòng giúp gia đình, các anh làm được nhiều việc. Nguyễn Huệ đã sớm tỏ ra là người thông minh, mưu trí, nhân từ...

Tuổi thơ, Huệ giúp gia đình thả bò đi ăn ở mạn Nam sông Côn và thường hay bày trò “đánh giặc giả” với đám chăn bò trong các làng lân cận. Phe của Huệ luôn giành phần thắng nên lũ trẻ rất thích... theo phe Huệ! Người anh cả của Nguyễn Huệ ngoài việc đồng áng, trồng trọt, còn có nghề đi buôn. Ông chèo thuyền lên mạn ngược, tìm mua trầu lá của các làng người dân tộc Bana... rồi xuống thuyền về An Thái (xã Nhơn Phúc) để bán. Nguyễn Huệ cũng được anh nhờ theo hộ tống ghe thuyền, vì dọc đường có thể bị cướp.

Ba anh em theo học chữ với thầy Nguyễn Văn Hiến (thường gọi là thầy giáo Hiến) ở An Thái. Thầy là người rất giỏi văn chương, lại rất đạo đức, được dân chúng ca ngợi. Chính ông đã đặt vào tâm hồn Nguyễn Huệ lòng yêu quý văn thơ; đặt nền móng cho những ước mơ xây dựng nền văn học chữ Nôm sau này của Nguyễn Huệ. Người thầy dạy võ đầu tiên cho ba anh em Nguyễn Nhạc là ông Đinh Văn Nhưng - tục gọi ông Chãng. Cả ba anh em phải khăn gói, mang gạo thóc xuống tận Phương Danh (xã Đập Đá, huyện An Nhơn) để tầm sư học võ. Ông Chãng có tướng người to con, thô kệch, rất giỏi võ nghệ, tính tình cương trực, nóng nảy. Ông cũng là một trong số rất ít gia đình có công khai hoang, lập ấp, xây dựng làng ấp, mở rộng vùng đất An Nhơn...

Trong ba người học trò này, ông thường ngợi khen Nguyễn Huệ là người rất mưu trí, không những thông thuộc các thế hệ võ ông đã dạy, mà còn có nhiều sáng kiến, biến hóa riêng. Ông cũng thường để Nguyễn Huệ ra thử đấu với ông để thử tài cao thấp. Lần nào Nguyễn Huệ cũng được ông nể phục. Theo sách Liệt Truyện ghi lại, Nguyễn Huệ có sức khỏe tuyệt trần, lại có mưu trí quyền biến, mưu lược như thần. Nguyễn Huệ còn có “giọng nói vang như chuông, cái nhìn sắc như chớp”.

Ba anh em Nguyễn Huệ ngày đêm chiêu mộ binh sĩ, quy tụ từng đoàn, cho luyện tập võ nghệ, thuần phục. Nguyễn Huệ còn đích thân đi cầu người hiền tài, thông hiểu binh pháp, về giúp sức cùng nghĩa binh. Vì vậy, có nhiều tướng giỏi, trung thành trở về cùng ba anh em ông mưu tính việc khởi nghĩa... Trong đoàn quân tinh nhuệ của ông, có cả nhóm người dân tộc Bana... cũng quyết lòng theo ông chống lại loạn thần Trương Phúc Loan đang cùng bọn quan lại thối nát, nhiễu hại dân lành, vơ vét của cải...

Nước Nam lúc bấy giờ đã bị phân chia làm hai miền, lấy Sông Gianh làm giới tuyến: Họ Nguyễn hùng cứ phương Nam - gọi là đàng Trong. Họ Trịnh tự xưng chúa phương Bắc - gọi là đàng Ngoài. Trên tuy còn có vua Lê nhưng quyền hành thuộc cả vào tay hai chúa Trịnh - Nguyễn. Trong nước đã có vua, lại có chúa nên vua chẳng phải là vua, tôi không phải là tôi: Nước Nam đang ở vào thời nhiễu loạn, phân hóa trầm trọng. Về sau, đàng Trong có đại thần Trương Phúc Loan chuyên quyền, làm bậy, còn ở đàng Ngoài có kiêu binh chúa Trịnh làm loạn, giết hại các quan đại thần trung tín với nhà Lê. Vua phải hạ mình, nhún nhường chịu phục; còn đình thần phải khoanh tay im lặng: Nước Nam đang ở vào thời đại loạn.

Trước tình cảnh ấy, ba anh em Nguyễn Huệ quyết định khởi binh, phát xuất từ ấp Phú Lạc (Tây Sơn) vào năm 1771 - tiến đánh các huyện An Khê, An Nhơn, Tuy Viễn... Đoàn quân tấn công ở đâu, đều được dân chúng ủng hộ, giúp đỡ, xin gia nhập vào nghĩa binh ngày một đông. Đến năm 1773, đội quân hùng mạnh của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ đã chiếm được thành Quy Nhơn làm căn cứ địa vững chắc cho cuộc khởi nghĩa...

Lời bàn:

Quang Trung - Nguyễn Huệ là người đã đánh đổ cả hai tập đoàn thống trị phản động ở đàng Trong và đàng Ngoài, đại phá quân xâm lược Xiêm và Mãn Thanh, thực hiện được khát vọng thống nhất đất nước của dân tộc vào cuối thế kỷ thứ 18. Ông là một trong những nhà lãnh đạo chính trị tài giỏi với nhiều cải cách xây dựng đất nước, quân sự xuất sắc trong lịch sử Việt Nam với những trận đánh trong nội chiến và chống ngoại xâm chưa thất bại lần nào. Cả cuộc đời binh nghiệp của ông, dù dưới danh hiệu “Long Nhương tướng quân”, “Bắc Bình vương” hay “Hoàng đế Quang Trung”, ông đều lập công trạng hiển hách. Do những chiến tích vang dội, Nguyễn Huệ được các giáo sĩ phương Tây so sánh với Alexandros đại đế. Với lịch sử dân tộc, ông là một đại danh tướng lỗi lạc của mọi thời đại.

Và không chỉ là một viên tướng thiện chiến, hoàng đế Quang Trung còn là một nhà cai trị tài ba. Ông giỏi chiến thuật quân sự, giỏi về chiến lược ngoại giao và lại biết thu dụng nhân tài để xây dựng đất nước. Trong ba anh em nhà Tây Sơn, Nguyễn Huệ không chỉ trội hơn về tài năng quân sự mà ngay cả trong việc trị nước, ông cũng tỏ ra là người xuất sắc nhất. Chính vì thế, các sử gia đương thời cũng như ngày nay đều có chung một nhận định rằng: Sự ra đi đột ngột của Nguyễn Huệ là tổn thất không thể bù đắp và là điều không may cho nhà Tây Sơn. Cơ nghiệp ông để lại không được người thừa kế xứng đáng bảo tồn nên đã nhanh chóng mất về tay Nguyễn Ánh. Cái chết đột ngột của ông khiến đời sau còn tiếc cho nhiều dự định lớn lao của ông chưa thành hiện thực.

N.D

  • Từ khóa
109801

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu