Thứ 6, 29/03/2024 08:34:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 10:44, 04/06/2014 GMT+7

Nước sạch về nhà: Người dân ở Bù Gia Mập không còn khát

Thứ 4, 04/06/2014 | 10:44:00 256 lượt xem
BP - “Ở xã Bù Gia Mập có người khoan giếng sâu 160m vẫn không có nước. Vùng này nhiều đá bàn nếu khoan trúng khe đá nứt nẻ (túi nước) may mắn lắm mới có ít nước vào mùa mưa, còn mùa khô mạch nước ngầm gần như cạn kiệt. Nhiều công trình giếng nước tập trung trở nên lãng phí vì không có nước. Do vậy, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại xã Bù Gia Mập đi vào hoạt động đã thỏa mong ước của người dân” - ông Điểu Mố, Bí thư Đảng ủy xã phấn khởi nói.

Hồi ức săn nước sạch

Trước đây có được nguồn nước sạch sử dụng là niềm khao khát đối với người dân xã Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập). Vùng này có nhiều giếng khoan sâu hơn 100m nhưng vẫn không có nước. Nhiều hộ phải đi vài cây số đến hồ Bù Rên tắm, giặt, rồi đem từng can nước về nhà nấu ăn. Họ khát nước sạch cả mùa khô lẫn mùa mưa.

Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung đã giải cơn khát cho người dân xã Bù Gia Mập

Sau khi lấy nước từ hồ Bù Rên, họ để lắng cặn rồi sử dụng. Ai cũng biết nguồn nước này không bảo đảm vệ sinh nhưng vẫn phải nhắm mắt dùng liều. Bữa ăn hàng ngày còn chật vật, nhưng người dân nơi đây vẫn phải mua nước với giá cắt cổ. Ông Điểu Mố nói: “Chỉ có khu vực trung tâm xã là có nước máy. 7 thôn: Bù Lư, Bù Dốt, Bù Rên, Bù La, Đắk Á, Bù Nga, Đắk Ka luôn thiếu nước vào mùa khô. Xã có 5 người thường xuyên dùng xe máy cày chở nước đi bán. Năm 2013, họ chở nước đến tận nơi bán với giá 50 ngàn đồng/khối. Năm nay, đầu mùa khô họ bán 80 ngàn đồng/khối, sau đó lên 100 ngàn đồng/khối. Không chỉ vậy, người dân điện thoại mua nước phải chờ ít nhất 3 ngày”.

 Anh Điểu Lợi ở thôn Bù Rên cho biết: Giếng nhà tôi sâu 28m nhưng chỉ có ít nước vào mùa mưa. Tôi phải xây bể chứa nước mưa để sử dụng. Những năm mưa ít, ngay mùa mưa vẫn không đủ nước để dùng, nước hứng được chỉ vài ba ngày là hết. Đó là nguồn nước sạch và quý nhất mà chúng tôi có trong năm, nhưng không phải nhà nào cũng có tiền xây bể chứa nước mưa để dành. Nhiều hộ phải dùng tấm ván cố định lại thành khối hình chữ nhật lớn, rồi mua bạt tạo thành bể chứa nước mưa.

Nước sinh hoạt còn khan hiếm, huống chi nước cho sản xuất, nên đời sống nhân dân đã khó lại chồng khó. Anh Nguyễn Văn Mười ở thôn Đắk Ka xót xa: “Khoảnh đất được họ hàng cho ở nhờ, tôi tận dụng trồng mấy hàng tiêu. Không có nước tưới, nhiều trụ tiêu vàng lá, có trụ chết khô”.

“Vùng đất khát” thay đổi

Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại xã Bù Gia Mập do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư hoàn thành trước thời hạn (31-12-2013) đã giải được cơn khát cho người dân. 390 hộ dân (khoảng 2.800 người) chủ yếu là đồng bào Xêtiêng, Mơnông ở các thôn Bù Rên, Bù Rốt, Bù La không phải lo tiền mua nước sinh hoạt giá cao như những năm trước, họ rủ nhau đóng tiền lắp đồng hồ nước tận nhà.

KHÓ LÀM ĐƯỢC NẾU NGƯỜI DÂN KHÔNG ĐỒNG LÒNG

Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung có công suất thiết kế 200m3/ngày đêm, sử dụng nước từ hồ chứa Bù Rên với diện tích khoảng 1,2 ha đất. Trong đó, khu trạm bơm sử dụng 0,3 ha và 9.718m tuyến đường ống nước (0,9 ha). Tuy nhiên, không cần phải giải phóng mặt bằng, bồi thường thiệt hại về cây trồng, cơ sở vật chất, các hộ dân đã tự dỡ bỏ công trình, chặt cây, bàn giao mặt bằng để thi công trong thời gian sớm nhất.

Công trình có tổng vốn đầu tư hơn 10,1 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch, vệ sinh môi trường và vốn khắc phục hạn hán chiếm 74,95% tổng vốn đầu tư (tương đương hơn 7,6 tỷ đồng). Còn lại, nhân dân đóng góp 2,5 tỷ đồng (chiếm 25,05% tổng vốn đầu tư) nối từ hệ thống ống dẫn nước chính đến nhà dân sử dụng.

Cuối tháng 3-2014, trước nhu cầu bức thiết của người dân, chủ đầu tư phối hợp với đơn vị thi công, UBND xã Bù Gia Mập đã vận hành, cung cấp nước sạch cho các hộ dân. Dự kiến, cuối tháng 6-2014, đơn vị thi công chính thức bàn giao công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại xã Bù Gia Mập.

Công trình gồm: Hố thu nước, bể lắng ngang kết hợp bơm cấp 1, cụm bể lọc, nhà quản lý kết hợp đặt cụm xử lý hóa chất, bể chứa nước sạch kết hợp bơm cấp 2, đài nước, tuyến ống, hệ thống trụ báo tuyến đường ống, hố van điều tiết nước, hố van xả cặn, hố van xả khí, đầu tư đường dây điện trung thế dài 740m và trạm biến áp 1x25 kVA.

Anh Điểu Lợi hồ hởi: Để trồng 3.000 phôi nấm bào ngư, tôi cần 30 lít nước mỗi ngày. Ngày trước tôi phải xếp phôi nấm trên giàn chờ mưa. Hiện không còn phải trông chờ vào nguồn nước trời, tôi dự định sẽ trồng nấm bào ngư quanh năm.

Chị Thị Lan ở thôn Bù Rên phấn khởi: Tôi đóng 1 triệu 260 ngàn đồng để lắp đồng hồ, đường ống từ tuyến chính vào nhà sử dụng. Giếng nhà tôi có nước quanh năm nhưng phải dùng tiết kiệm. Nước giếng tôi chỉ dành để nấu ăn. Buổi chiều, cả nhà chở nhau xuống hồ tắm, giặt. Buồn nhất là xây được nhà to, đẹp, sát mặt đường nhưng chưa lần nào được rửa nhà sạch sẽ. Có nước sạch, ngày nào tôi cũng lau, rửa nhà mát mẻ, cảm ơn chính quyền đã mang nước về và cả niềm vui cùng sự đổi đời cho nhiều người dân ở Bù Gia Mập.    

T.Ly - P.Thảo

  • Từ khóa
49217

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu