Thứ 7, 27/04/2024 09:02:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 10:50, 28/10/2015 GMT+7

Giám sát lời hứa

Thứ 4, 28/10/2015 | 10:50:00 106 lượt xem
BP - Hôm nay là ngày làm việc thứ sáu của kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII. Đây là kỳ họp đặc biệt quan trọng không chỉ bởi là kỳ họp cuối năm mà còn bởi diễn ra trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII - thời điểm hết sức nhạy cảm khi mọi quyết định của Đảng, của Quốc hội sẽ tác động trực tiếp đến cả chặng đường 5 năm phát triển của đất nước.

Có lẽ vì thế mà kỳ họp này có những khác biệt so với các kỳ họp trước của Quốc hội, đặc biệt là hình thức chất vấn sẽ đổi mới hoàn toàn. Tại các kỳ họp trước, ai trả lời chất vấn và nhóm vấn đề chất vấn đều được biết trước. Nhưng tại kỳ họp này, các thành viên Chính phủ, các bộ trưởng không trả lời chất vấn luân phiên mà các đại biểu Quốc hội có thể chất vấn bất kỳ thành viên nào của Chính phủ liên quan đến vấn đề tồn đọng, việc thực hiện lời hứa từ đầu nhiệm kỳ cũng như vấn đề mà đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm. Đại biểu Quốc hội cũng có thể chất vấn lại một số nội dung mà trước đây đã chất vấn nhưng chưa được thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ. Điều này sẽ giúp Quốc hội nhìn nhận lại hiệu quả của hoạt động chất vấn, hoạt động giám sát, làm cơ sở để thời gian tới hoạt động này hiệu quả hơn. Đây là cách làm chưa từng có tiền lệ, thể hiện trách nhiệm cao của Quốc hội tại kỳ họp này.

Chất vấn là một trong ba hình thức giám sát của Quốc hội và thường thu hút sự quan tâm của dư luận nhiều hơn các hình thức giám sát khác. Từ trước tới nay, hoạt động chất vấn không chỉ diễn ra trong các kỳ họp Quốc hội mà còn diễn ra trong thời gian giữa các kỳ họp. Với sự đổi mới của Quốc hội, chất lượng chất vấn những năm gần đây đã được nâng lên. Nhiều ý kiến chất vấn tại kỳ họp được trả lời thẳng thắn trên tinh thần xây dựng và không ít lời hứa tại kỳ họp đã được tổ chức triển khai trong thực tiễn, tạo niềm tin cho cử tri. Tuy nhiên, việc theo dõi, giám sát thực hiện “lời hứa” của người được chất vấn thời gian qua chưa thật chặt chẽ nên phần nào đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả của hoạt động chất vấn.

Ai cũng biết trên con đường đổi mới và phát triển đất nước đương nhiên sẽ nảy sinh những khó khăn, phức tạp. Đại biểu Quốc hội cũng như cử tri cả nước đều biết rõ nhiều vị tổng tư lệnh ngành đã nỗ lực để khắc phục những khó khăn, phức tạp ấy. Nhưng thực tế cho thấy có những thiếu sót, khuyết điểm gắn liền với tiêu cực kéo dài do chủ quan, sự thiếu trách nhiệm của con người gây nên mà hơn ai hết là người đứng đầu các bộ, ngành phải chịu trách nhiệm. Chỉ nói riêng những quyết sách thiếu tính thực tế trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo; sự lãng phí, thất thoát trong xây dựng cơ bản cùng những sai phạm ở một số ngành kinh tế thời gian qua đã cho thấy điều đó. Và các đại biểu Quốc hội cùng cử tri cả nước đã nói lên phần cơ bản của những cản lực đó.

Thừa nhận có khuyết điểm và hứa sửa chữa khuyết điểm đã được các thành viên Chính phủ thực hiện trong nhiều kỳ họp. Nhưng mong muốn của cử tri cả nước là những lời hứa đó phải trở thành hiện thực. Bởi thế, việc chất vấn trực tiếp không cho biết trước nội dung và có thể chất vấn lại những vấn đề đã hứa của các bộ trưởng trong suốt nhiệm kỳ tại kỳ họp này chính là hình thức giám sát thực tế và chặt chẽ của Quốc hội, làm nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn và giám sát.

Thảo Linh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu