Thứ 6, 29/03/2024 18:26:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:31, 10/03/2017 GMT+7

Gian lận thương mại phải triệt tận gốc

Thứ 6, 10/03/2017 | 08:31:00 171 lượt xem
BP - Mấy ngày qua, ở Bình Phước rộ lên thông tin một đại lý ở thôn 6, xã Đa Kia, huyện Bù Gia Mập do bà Dư Thị Toàn (34 tuổi) làm chủ đã trộn dung dịch đặc sệt có màu đen nhạt vào đống hạt tiêu lép và đem phơi nắng để “biến” thành tiêu chắc, trọng lượng nặng hơn và màu sắc đen hơn.

Tỷ lệ trộn trên 3 tạ hạt tiêu lép với tạp chất để tạo ra trên 3,6 tạ tiêu chắc, mỗi tạ tiêu lép sau khi “ra lò” sẽ kiếm lời thêm khoảng 900 ngàn đồng.

Với thông tin đó, nếu người tiêu dùng buồn một thì người trồng tiêu đau gấp trăm ngàn lần. Bởi họ đã phải đổ bao mồ hôi, công sức, tiền của nhằm tạo ra những hạt tiêu đạt chuẩn để xuất khẩu, nâng cao vị thế cho nông sản Việt thì lại có kẻ nhẫn tâm phá hoại, muốn “ngồi mát ăn bát vàng”, trục lợi không màng đến sức khỏe đồng loại. Các vùng trồng tiêu trên địa bàn tỉnh đang bước vào mùa thu hoạch chính nhưng khá buồn vì giá giảm sâu so với năm 2016. Thông tin trộn tạp chất vào tiêu trên miền “thủ phủ” hồ tiêu lại càng khiến nỗi đau này nhân lên. Bởi điều này sẽ đánh mất niềm tin của người tiêu dùng và là rào cản lớn cho việc xây dựng thương hiệu hàng hóa, xuất khẩu.

Ai cũng biết, nông nghiệp luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, góp phần to lớn xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực, ổn định chính trị - xã hội. Bên cạnh đó, nông nghiệp còn là yếu tố cơ bản, quan trọng giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu lớn trên thế giới với tổng giá trị các mặt hàng nông sản xuất khẩu trung bình hằng năm khoảng trên 30 tỷ USD. Trong số những sản phẩm nông - lâm - thủy sản xuất khẩu chính trên 1 tỷ USD, có mặt ở hầu hết thị trường nhập khẩu lớn của thế giới như Mỹ, EU và Nhật Bản... Bình Phước tự hào khi là thủ phủ của cao su, điều, hồ tiêu. Một số sản phẩm đã có tên gọi xuất xứ, chỉ dẫn địa lý thương hiệu như: hồ tiêu Lộc Ninh, hạt điều Bình Phước... vậy mà một số đại lý bất lương, thương lái “chụp giật” lại bất chấp đạo lý, pháp luật, tìm thủ đoạn làm ăn gian dối trộn tạp chất, hóa chất bẩn vào sản phẩm khiến sức cạnh tranh của các loại nông sản Việt trên thị trường trong và ngoài nước “mang tiếng” xấu, bị tẩy chay và chịu nhiều thiệt thòi.

Đã một thời, nông dân Bình Phước phải khóc ròng khi rộ lên tin đồn hạt điều nhân vỡ đôi, vỡ ba được “hô biến” trở thành nguyên hạt bằng keo “dán sắt” bị nước bạn trả hàng. Còn trong nước, các công ty, nhà máy chế biến cũng lỗ nặng, thậm chí phá sản khi mua phải hạt điều thô đã bị thương lái băm nhỏ quả điều nấu thành chất sền sệt trộn vào, thậm chí phun cả nước xi măng để tăng trọng lượng khi xuất hàng. Còn mủ cao su cũng đã từng bị các thương lái pha trộn tạp chất như: vôi, thạch cao, bột bả tường, đất trắng... làm giảm chất lượng nguyên liệu trong sản xuất các sản phẩm cao su. Đây là những hành vi gian lận thương mại rất cần phạt nặng, thậm chí xử lý hình sự để mang tính răn đe hiệu quả hơn. Để đấu tranh có kết quả cao hơn thì không chỉ các cơ quan chức năng mà cần có sự “hợp tác” của tất cả người dân chung tay trong bài trừ, tẩy chay đấu tranh phòng chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại. Bởi điều này đang trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng, uy tín của nông sản không chỉ Bình Phước mà cả Việt Nam khi hàng được lưu thông, xuất khẩu.

An Nhiên

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu