Thứ 4, 24/04/2024 11:40:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 06:42, 28/02/2019 GMT+7

Gian nan vận động học sinh ra lớp

Thứ 5, 28/02/2019 | 06:42:00 346 lượt xem
BP - Hằng năm, sau tết Nguyên đán là vào vụ thu hoạch điều nên tình trạng học sinh đi học không chuyên cần diễn ra phổ biến ở vùng nông thôn, nhất là học sinh dân tộc thiểu số. Trường THCS Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập là một điển hình. Dù nhà trường thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã và các thôn tìm mọi giải pháp vận động học sinh ra lớp nhưng công tác này vẫn gặp nhiều khó khăn.

Thầy Vũ Ngọc Sinh, Hiệu trưởng cho biết: Trường THCS Bù Gia Mập có 527 học sinh/15 lớp, trong đó 77,2% là con em đồng bào S’tiêng, Mơnông. Học sinh phần lớn có hoàn cảnh khó khăn với khoảng 90% gia đình làm nông nghiệp. Vì thế, vào mùa thu hoạch các em thường theo phụ lượm điều, hái tiêu cho gia đình; có em lượm điều, hái tiêu thuê kiếm tiền trang trải cuộc sống. Địa bàn xã rộng, dân cư sống rải rác, đường đến trường xa, nhất là 3 thôn đặc biệt khó khăn cách trường hơn 5km là Bù Nga, Bù La, Đắk Á, vì thế ảnh hưởng lớn đến việc duy trì sĩ số. Ngoài ra, sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán dài ngày, một số em dù không đi lượm điều nhưng vẫn ở nhà quên cả việc học.

Học sinh Trường THCS Bù Gia Mập trong giờ học

Từ thực tế đó, công tác vận động học sinh ra lớp được nhà trường chú trọng, quan tâm hàng đầu. Ban vận động trường và xã phối hợp ban điều hành, già làng, người có uy tín các thôn vận động học sinh ra lớp. Khó nhất trong vận động học sinh ra lớp vùng dân tộc thiểu số là khi đoàn vận động đến các em thường bỏ chạy, khó có thể tiếp cận để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng. Trong khi đó, phụ huynh lại ít hợp tác, không quan tâm đến việc học của con mà phó mặc cho nhà trường. Dù khó khăn nhưng trường và ban vận động luôn kiên trì tìm giải pháp và tạo mọi điều kiện tốt nhất để đưa các em trở lại lớp học.

Theo thống kê của Phòng GD-ĐT huyện Bù Gia Mập, học kỳ I, năm học 2018-2019, toàn huyện có 22 học sinh bậc THCS bỏ học. Trong đó, hoàn cảnh gia đình khó khăn 7 học sinh, học lực yếu 3, nhà xa trường đi lại khó khăn 4, nguyên nhân khác 8. Tính đến ngày 18-2-2019, toàn huyện có 39 học sinh bỏ học, tăng 17 em so với cuối học kỳ I; trong đó nhiều nhất Trường THCS Đắk Ơ 12 em, tiếp đến là Trường THCS Lý Thường Kiệt 7 em, số còn lại mỗi trường từ 2-5 em.

Trường có 35 cán bộ, giáo viên, trong đó phần lớn tuổi đời còn trẻ, nhiệt tình, xung kích sáng tạo, trình độ chuyên môn đáp ứng tốt nhiệm vụ giáo dục. Trường chỉ đạo giáo viên nghiêm túc thực hiện dạy - học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông và thực hiện nội dung yêu cầu giảm tải, lồng ghép giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào tiết dạy, hoạt động ngoại khóa. Đồng thời tích cực đổi mới phương pháp, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, bồi dưỡng, khơi nguồn cảm hứng các môn học nhằm tạo hứng thú, say mê học tập cho các em. Học sinh nhà trường phần lớn là con em dân tộc thiểu số, vì thế việc phụ đạo học sinh yếu, kém luôn được trường đặc biệt quan tâm, nhất là 2 tổ tự nhiên và xã hội. Trường học 2 ca sáng và chiều, buổi sáng với 9 phòng học/15 lớp, vì thế dư 2 phòng học, buổi chiều dư 1 phòng học. Số phòng học dư này trường sắp xếp cho 3 lớp 9 ôn tập và dạy phụ đạo các lớp còn lại. Ngoài ra, môn tiếng Anh được giáo viên tận dụng mọi lúc, mọi nơi để phụ đạo, bồi dưỡng. Giáo viên phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi được trường chọn là những người có kinh nghiệm, nhiệt huyết và trách nhiệm cao.

Nhằm hỗ trợ học sinh nghèo vươn lên học tập tốt và duy trì sĩ số, đầu năm học 2018-2019, huyện và xã Bù Gia Mập tặng 5 chiếc xe đạp cho các em nhà ở xa trường, trị giá 2 triệu đồng/chiếc; tập thể cán bộ, giáo viên trường đóng góp xây dựng Quỹ “Thắp sáng ước mơ cho em tới trường” hỗ trợ 14 học sinh nghèo, trị giá 2,8 triệu đồng; vận động các nhà hảo tâm tặng 30 suất học bổng, trị giá 18 triệu đồng. Ngoài ra, trong học kỳ I, năm học 2018-2019, trường đã làm hồ sơ nhận cấp phát gạo theo Nghị định số 86 của Chính phủ cho 240 học sinh tại 3 thôn đặc biệt khó khăn với tổng 18 tấn gạo; hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định số 86 cho 68 học sinh với số tiền 61,2 triệu đồng...

Với nhiều giải pháp nên công tác duy trì sĩ số ở học kỳ I và đầu học kỳ II, năm học 2018-2019 được trường thực hiện tốt. Học kỳ I có 1 em lớp 9A2 và 1 em lớp 7A2 bỏ học chưa trở lại lớp và nhà trường vẫn đang tiếp tục phối hợp vận động các em. Tuy nhiên, thầy Vũ Ngọc Sinh cho biết, vào vụ điều như hiện nay học sinh đi học không chuyên cần diễn ra phổ biến ở các lớp, mỗi lớp từ 1-3 em. Các em không bỏ học hẳn mà cứ đi học 2 bữa lại nghỉ 1 bữa để lượm điều. Vì thế, công tác vận động học sinh ra lớp dịp sau tết Nguyên đán, nhất là vào vụ thu hoạch điều luôn gian nan, vất vả.

Vũ Thuyên

  • Từ khóa
88437

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu