Thứ 6, 29/03/2024 08:52:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:50, 01/11/2014 GMT+7

CHÀO MỪNG 5 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HUYỆN HỚN QUẢN (1-11-2009 - 1-11-2014)

Giáo dục Hớn Quản: 5 năm và con số 12

Thứ 7, 01/11/2014 | 08:50:00 1,679 lượt xem

>> Hớn Quản: 5 năm một chặng đường
>> Hớn Quản đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba

BP - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Thấm nhuần lời dạy của Người, ngay từ khi thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 1-11-2009, dù còn bộn bề khó khăn nhưng lãnh đạo huyện Hớn Quản đã xác định giáo dục là một trong những lĩnh vực trọng tâm và ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Con số 12 trường đạt chuẩn quốc gia hiện nay so với con số 0 của ngày đầu đã nói lên điều đó.

HÀNH TRÌNH TỪ CON SỐ 0

5 năm trước, ai đến Hớn Quản đều thấy nét ảm đạm trong bức tranh giáo dục của huyện với bộn bề, khó khăn. Năm học 2009-2010 đến 2011-2012, toàn huyện có 42 trường; 12/13 xã có hệ thống trường học từ mầm non đến THCS. Đến tháng 8-2010, huyện có 16.527 học sinh; 1.142 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Cơ sở vật chất chủ yếu phòng cấp 4 đã xây dựng lâu năm, xập xệ, xuống cấp, nhất là trường Tiểu học Trà Thanh (xã Thanh An). Gánh nặng 3 không: không trường chuẩn quốc gia, không xã nào đạt phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; tỷ lệ huy động trẻ mầm non 5 tuổi chỉ đạt 70% là vấn đề khiến các cấp lãnh đạo huyện trăn trở, lo lắng, nhất là đối với bậc học mầm non. Năm học 2010-2011, toàn huyện thiếu 32 phòng học, 45 giáo viên, trong khi chỉ tiêu huy động trẻ 5 tuổi đến lớp phải đạt 90%.

Trường THCS Đồng Nơ - đơn vị đầu tiên thuộc khối THCS đạt chuẩn quốc gia mức độ I

Trước thực trạng đó, các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Hớn Quản đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đưa giáo dục phát triển. Thầy Nguyễn Trung, Trưởng phòng GD-ĐT huyện cho biết: “Ban đầu chúng tôi rất lo lắng bởi các chỉ tiêu sẽ khó đạt so với nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X, nhiệm kỳ 2010-2015 đề ra. Vì vậy, phòng GD-ĐT tập trung toàn lực nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, vận động giáo viên nâng cao chất lượng giảng dạy, phát động phong trào thi đua, tăng cường vận động xã hội hóa giáo dục, tham mưu UBND huyện đầu tư cơ sở vật chất”. 5 năm qua, huyện đã ưu tiên đầu tư khoảng 60 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất trường học; đặc biệt, huyện đã vận động xã hội hóa được khoảng 6 tỷ đồng, xây mới hàng chục phòng học.

... ĐẾN CON SỐ 12

Toàn huyện hiện có 45 trường với 678 lớp; 1.489 cán bộ, giáo viên, nhân viên và 18.544 học sinh; 55,75% cán bộ quản lý và giáo viên đạt trên chuẩn về trình độ, tăng 17,23% so năm 2010. Các chỉ tiêu đều đạt và vượt nghị quyết Đại hội X đề ra. Nhưng thành tựu quan trọng nhất là huyện đã có 12 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I, gồm: mầm non 5, tiểu học 5, THCS 1, THPT 1, đạt 150% so chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X đề ra. 13/13 xã đạt chuẩn phổ cập mầm non trẻ 5 tuổi với tỷ lệ huy động đạt 97,92%. Huyện được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ I (12/13 xã đạt); duy trì đạt chuẩn phổ cập GDTHCS. 3 năm liền (2011-2012, 2012-2013, 2013-2014) Phòng GD-ĐT huyện Hớn Quản được UBND tỉnh tặng bằng khen và đạt nhất cụm thi đua trong 5 huyện khó khăn của tỉnh.

XÃ 3 NHẤT

Cách trung tâm huyện 40km, Thanh An có 22% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. 5 năm trước, xã chưa có trường đạt chuẩn quốc gia, chất lượng dạy và học thấp. Đời sống người dân còn nghèo nên việc huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục nan giải. Bằng sự nhạy bén, năng động, nhiệt huyết, thầy và trò nơi đây đã giúp Thanh An đạt được nhiều cái nhất. Là xã xa nhất của huyện nhưng dẫn đầu khối tiểu học với 2 trường đạt chuẩn, 2 trường đạt phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ II. Trong đó, trường Tiểu học Trà Thanh có tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày đạt 100%. Ấn tượng nhất là trường Tiểu học Thanh An đoạt giải nhất toàn đoàn thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, giải nhất toàn đoàn thi giải Toán qua internet tiểu học cấp huyện năm học 2013-2014.

Phó chủ tịch UBND huyện Lê Hoàng Lâm nói: “Dù nguồn ngân sách tỉnh chi cho đầu tư cơ bản còn ít nhưng chúng tôi vẫn ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục. Đồng thời, chỉ đạo phòng GD-ĐT thực hiện các giải pháp tăng cường bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị nhằm chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, chỉ đạo các ngành cùng vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, hạn chế thấp nhất tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học. Thành tựu khiến chúng tôi tâm đắc nhất sau 5 năm nỗ lực là kết quả xây dựng trường chuẩn quốc gia; kết quả phổ cập giáo dục THCS, phổ cập giáo dục TH đúng độ tuổi và phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi”.   

  Thanh Mai

  • Từ khóa
11986

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu