Thứ 6, 26/04/2024 04:00:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 13:59, 13/10/2016 GMT+7

HƯỚNG TỚI 20 NĂM NGÀY TÁI LẬP TỈNH

Giấy thông hành đặc biệt cho hạt điều

Hồng Cúc
Thứ 5, 13/10/2016 | 13:59:00 138 lượt xem
BP - Hiện cả nước có khoảng 30 hợp tác xã (HTX) có mặt hàng được dán nhãn thương mại công bằng quốc tế cho các sản phẩm chè, cà phê, thủ công mỹ nghệ, gia vị. Ở Bình Phước, hạt điều của HTX Phước Hưng, xã Tiến Hưng (Đồng Xoài) cũng đã được dán nhãn thương mại công bằng quốc tế 7 năm nay. Lợi ích từ thương mại công bằng quốc tế đã làm say mê những người làm HTX.

CON ĐƯỜNG RA THẾ GIỚI

Không phải tình cờ những nông dân trồng điều của HTX Phước Hưng biết đến chứng nhận thương mại công bằng quốc tế. Đây là sự hỗ trợ của Dự án “Giảm nghèo thông qua trợ giúp tổng thể phát triển doanh nghiệp nhỏ” - Prised (Hà Lan), được Hội Nông dân tỉnh triển khai cho loại cây trồng chủ lực vào năm 2007.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi thăm mô hình trồng điều của hộ bà Trần Thị Yến, xã viên HTX điều Bù Gia MậpĐồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi thăm mô hình trồng điều của hộ bà Trần Thị Yến, xã viên HTX điều Bù Gia Mập

Để được chứng nhận thương mại công bằng, người trồng điều phải làm gì? Ông Đàm Xuân Thọ, Phó tổng giám đốc Liên hiệp HTX điều Bình Phước, người phụ trách quy trình kỹ thuật cho biết: Thương mại công bằng là sự hợp tác giữa nhà sản xuất và khách hàng dựa trên cơ sở đối thoại và minh bạch. Chứng nhận thương mại công bằng là chứng nhận quốc tế. Các doanh nghiệp đạt chứng nhận này sẽ có thêm kênh tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường sản phẩm, xuất khẩu thông qua hệ thống thương mại công bằng.

Muốn đạt được chứng nhận phải đáp ứng các tiêu chuẩn mà tổ chức nhãn hiệu thương mại công bằng (Fair Trade) đề ra. Quy trình chăm sóc đòi hỏi các yêu cầu: Thứ nhất, yếu tố con người. Người thực hiện phải tự nguyện tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, có diện tích trồng điều từ 0,5-10 ha. Thứ hai, môi trường trong vườn điều phải đảm bảo có trồng cây chắn gió hoặc cây xanh; phải bảo vệ nguồn nước, bảo vệ động vật hoang dã, không có vỏ thuốc bảo vệ thực vật. Yếu tố cộng đồng là yêu cầu thứ ba, đòi hỏi tất cả rác thải công nghiệp không có trong vườn điều. Thứ tư, không sử dụng lao động tàn tật; không sử dụng phụ nữ có thai vào công việc độc hại hoặc việc nặng mà phải bố trí công việc khác để có thu nhập; không sử dụng lao động trẻ em, chống bạo lực trẻ em trong gia đình, tất cả trẻ em là con của thành viên phải được đến trường.

Sau khi thực hiện nghiêm ngặt các yêu cầu đề ra, Tổ chức Fair Trade sẽ cử người kiểm tra các bước thực hiện trên vườn điều thông qua sổ ghi chép và lấy mẫu, nếu đạt hộ nông dân sẽ được công nhận sản xuất thân thiện môi trường, phát triển bền vững và cấp giấy chứng nhận sau 30 ngày. Thương mại công bằng đòi hỏi từ khâu sản xuất đến chế biến phải đạt tiêu chuẩn nhất định. Hiện HTX Phước Hưng chưa có nhà máy chế biến hạt điều đạt chuẩn nên phải hợp tác với một công ty ở Bình Dương có chứng nhận thương mại công bằng quốc tế chế biến. Được dán nhãn thương mại công bằng quốc tế, sản phẩm sẽ đi thẳng vào những thị trường khó tính như Mỹ, EU.

KHOẢN PHÚC LỢI “KHỦNG”

Đây là điều mà người nông dân không thể ngờ tới khi 1kg điều xuất khẩu được hưởng thêm 0,33 USD tiền quỹ phúc lợi. Đây là tiền người tiêu dùng hàng hóa thương mại công bằng phải trả cho những sản phẩm tốt, có nguồn gốc rõ ràng. Số tiền phúc lợi được dùng đầu tư tái sản xuất, thực hiện các công trình cộng đồng. Năm 2016, số tiền quỹ phúc lợi của HTX Phước Hưng đạt gần 1 tỷ đồng trong khi sản lượng xuất khẩu mới chỉ 600 tấn/38 hộ thành viên. Trong đó, đầu tư cho tái sản xuất (mua phân bón cấp cho các hộ thành viên) 250 triệu đồng, tặng 146 phần quà nhân dịp năm học mới cho học sinh trên địa bàn HTX đứng chân, xây 1 căn nhà tình thương cho thành viên Phạm Thị Vang; còn lại là quỹ hoạt động, tập huấn, đóng phí cho tổ chức chứng nhận, quỹ chống biến đổi khí hậu...

Phí một năm đóng cho tổ chức chứng nhận 100 triệu đồng. Hằng năm, tổ chức đều cử người sang kiểm tra các quy trình sản xuất, nếu không đạt thì ngưng cấp giấy chứng nhận. Một đợt kiểm tra từ 3-5 ngày. Hộ được chọn ngẫu nhiên nên quy trình chăm sóc phải đồng bộ. Ông Đàm Xuân Thọ cho biết thêm, đợt kiểm tra năm 2016, có 2 hộ thành viên mắc lỗi nhưng được cho khắc phục. Những lỗi mắc thông thường là vỏ thuốc bảo vệ thực vật, chai nước uống, vỏ mì tôm, bịch ni-lon còn sót trên vườn, hộ nuôi chim... Và ông Thọ khẳng định, trong suốt thời gian qua, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên vườn cây của hộ thành viên lấy mẫu kiểm tra là an toàn tuyệt đối.

HƯỚNG ĐẾN THƯƠNG HIỆU HỮU CƠ

Ngoài HTX Phước Hưng, trong Liên hiệp HTX điều Bình Phước còn 3 HTX là Đồng Nai, Thành Phát (Bù Đăng) và Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập. Trong đó, HTX Đồng Nai cũng đã được dán nhãn thương mại công bằng quốc tế. Theo ông Đàm Xuân Thọ, Liên hiệp HTX điều Bình Phước đang hướng dẫn các thành viên của 2 HTX Bù Gia Mập và Thành Phát sản xuất điều hữu cơ. Đây là bước đi nhanh nhất để có thể sớm được Tổ chức Fair Trade công nhận dán nhãn thương mại công bằng.

Quy trình sản xuất điều hữu cơ giống như điều thương mại công bằng quốc tế. Chỉ khác là điều hữu cơ hoàn toàn dùng phân hữu cơ và không dùng thuốc hóa học phòng trừ địch hại trên cây điều, không sử dụng các thành phần biến đổi gen. Cách sản xuất này đang được xem là tiêu chuẩn chất lượng cao cấp nhất hiện nay trên thế giới. Song cũng phải nói rằng, sản xuất hữu cơ bước đầu người nông dân gặp một số khó khăn khi năng suất giảm, tốn công chăm sóc hơn. Tuy nhiên, vì đang trên đường xây dựng thương hiệu nên lợi ích đem lại cho người nông dân chưa cụ thể. Chỉ có thể khẳng định rằng, thị trường cho sản phẩm đạt tiêu chuẩn điều hữu cơ là không giới hạn.

  • Từ khóa
40770

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu