Thứ 6, 19/04/2024 11:17:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 07:46, 26/02/2016 GMT+7

Giờ đọc sách “cứng” trong trường học - giải pháp thiết thực cho học sinh

Thứ 6, 26/02/2016 | 07:46:00 257 lượt xem
BP - “Bạn hãy đọc sách đi! Và mong sao trong đời bạn sẽ không có ngày nào mà bạn không đọc dù chỉ một trang sách mới” (C. Pautốpxki). Đọc sách không chỉ trang bị kiến thức mà còn tạo ra những giây phút thư giãn tâm hồn cho người đọc.

Ý kiến của ông Nguyễn Quốc Vương, nghiên cứu sinh Việt Nam tại Nhật Bản, người dịch cuốn “Cải cách giáo dục Nhật Bản” của Ozaki Mugen và cuốn “Sổ tay giáo dục gia đình Nhật Bản” khiến chúng ta không khỏi giật mình về tinh thần đọc sách của người Nhật Bản: “Ở Nhật có thể thấy người ta đọc sách ở bất cứ đâu. Các đầu sách bán chạy ở Nhật Bản thường có số lượng vài triệu bản, thậm chí có cuốn đạt 10 triệu bản. Tôi cũng đọc một bài báo người Nhật viết rằng số sách trung bình một người Nhật đọc trong một năm là 46 cuốn, đứng hạng nhất nhì thế giới. Nhìn vào con số thống kê năm 2015, người Việt chi hơn 2.000 tỷ đồng cho hoạt động xuất bản, nhưng lại chi 63 ngàn tỷ cho việc uống bia rượu, tôi thấy buồn nhưng không thấy ngạc nhiên. Chưa cần đến thống kê tôi cũng có thể cảm nhận thực tế đó trong cuộc sống hằng ngày”. Người Nhật đọc sách nhiều nhất thế giới nên năng suất lao động của họ cao nhất thế giới là một tỷ lệ thuận.

Học sinh Trường THCS Tân Phú (Đồng Xoài) hưởng ứng văn hóa đọc trong dịp hè - Ảnh: S.H

Một thống kê khác cũng khiến chúng ta suy nghĩ: 0,8 cuốn sách/năm là số liệu về người Việt đọc sách được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa ra vào tháng 4-2013. Tỷ lệ người hoàn toàn không đọc sách chiếm tới 26%, thỉnh thoảng mới cầm một cuốn sách lên đọc chiếm áp đảo tới 44%, còn đọc thường xuyên là 30%. Bạn đọc của thư viện chỉ chiếm 8-10% số dân. Thư viện quốc gia Việt Nam có khoảng 50 ngàn bạn đọc thường xuyên, thư viện cấp tỉnh chỉ có 1.000-2.000 bạn đọc, cấp huyện 500-600 bạn đọc, thư viện/phòng đọc cấp xã 100-200 bạn đọc. Rất nhiều trẻ em xem truyện tranh, ngại truyện chữ; thanh niên đọc truyện ngôn tình trên internet.

Xây dựng thói quen đọc sách cho toàn xã hội là việc làm mang tính chiến lược, góp phần nâng cao văn hóa toàn dân mà quan trọng nhất là những người đang đi học. Nhưng thói quen đọc sách của người đi học ở Việt Nam xưa nay chủ yếu là sinh viên, giáo viên và trí thức trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Học sinh càng ở cấp nhỏ hơn càng ít được quan tâm đến vấn đề này nên càng ít đọc. Đây là một thực tế rất cần giải pháp đột phá để cải thiện tình hình đọc và chất lượng đọc ở giới trẻ. Giờ đọc sách trong trường là một ý kiến hay và có tính khả thi cao, giúp học sinh tăng tính năng động, tích cực rèn luyện thói quen tốt. Khi các em đam mê đọc và nâng cao văn hóa đọc sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho bản thân và xã hội.

Thời khóa biểu của học sinh từ cấp tiểu học đến THPT đều trên 20 tiết tiêu chuẩn/tuần nhưng không có thời gian chính thức nào dành cho đọc sách. Đã đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định đưa ít nhất 2 tiết/tuần (có thể chéo buổi học hoặc trong buổi học chính khóa) bắt buộc các cơ sở giáo dục phải tổ chức cho học sinh giờ đọc sách. Muốn làm được việc này, các trường học phải nâng cao chất lượng thư viện, đa dạng nguồn tài liệu, thay đổi phong cách phục vụ bạn đọc của thư viện. Nếu thực hiện được giờ đọc sách chính khóa sẽ tạo ra hiệu quả “kép” vừa giúp học sinh được đọc sách vừa nâng cao chất lượng mọi mặt của thư viện. Để thực sự phát huy tính sáng tạo, niềm đam mê từ chính các em, giờ đọc sách “cứng” là một giải pháp hữu ích.

Tác giả xin mượn câu nói của một nhà khoa học người Nga để thay cho lời kết của bài viết này: “Hiện nay chúng ta đang ba hoa về sự cô đơn toàn cầu của nhân loại. Làm thế nào để vượt qua điều đó? Chỉ có đọc sách! Chỉ cuốn sách mới “trò chuyện” với con người không mang tính chất hình thức, mà là một cách tâm tình, khuyên bảo và cung cấp những định hướng cần thiết. Trong sách có những bí mật của đạo đức - quy tắc ứng xử của lương tâm”. (GS.TSKH Mikhain Phiôđôrôvích Nhenasep).

Th.s Vũ Văn Tuấn

  • Từ khóa
85740

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu