Thứ 6, 29/03/2024 14:24:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 16:11, 04/10/2012 GMT+7

Giúp người cũng là giúp mình

Thứ 5, 04/10/2012 | 16:11:00 2,223 lượt xem

Trong cuộc sống có không ít người đang rơi vào tình cảnh éo le, khốn khó và cũng xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân hoạt động từ thiện, phần nào giúp người nghèo vươn lên. Ở thị xã Bình Long có nhiều gương sáng làm việc thiện, “chia ngọt sẻ bùi” từ những lon gạo, đồng tiền tiết kiệm hằng ngày để làm những phần việc có ý nghĩa.

“LÁ LÀNH ĐÙM LÁ RÁCH”

“Học Bác là làm theo từng việc nhỏ chứ không nên chờ đến khi Nhà nước phát động thì mới học và làm. Mỗi khi giúp đỡ người nghèo tôi lại có thêm niềm vui, thấy mình sống có ích hơn”. Đó là tâm sự của bà Nguyễn Thị Ngọc Thu ở khu phố Phú Trọng, phường Phú Đức khi nói về học và làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Bà Thu được mọi người biết đến với nhiều việc làm từ thiện.

Bà Thu (thứ hai từ trái sang) phát cơm cho người nhà bệnh nhân tại bệnh viện

Sáng Chủ nhật hàng tuần, hình ảnh một cụ bà bước đi chậm rãi phát từng hộp cơm đến tận tay những bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện đa khoa thị xã Bình Long đã trở nên quen thuộc. Ở tuổi 84 nhưng bà Thu còn tinh tường và nhanh nhẹn. Bà muốn tự mình đi đưa cơm cho bệnh nhân để cùng sẻ chia khó khăn với những người kém may mắn. Bà Thu nói: “Do sức yếu nên tôi phải chờ đến cuối tuần, đợi con cháu về cùng nấu cơm rồi mang đi phát. Qua đây cũng để răn dạy con cháu sống hướng thiện, có trách nhiệm với gia đình và xã hội”. Bà Thu nhớ lại những ngày đầu đến Bình Phước lập nghiệp. Trên mảnh đất mới, nghèo khó cứ bủa vây, gia đình bà phải chạy ăn từng bữa. Củ khoai, củ mì, trái bắp làm ra không đủ ăn, vợ chồng bà phải đi làm thuê, đắp đổi qua ngày.

Nhờ chịu khó lao động và nghị lực vươn lên nên giờ gia đình bà đã có của ăn của để. Thấu hiểu cảnh đói nghèo và muốn giúp người khó khăn, bà đã chia sẻ từng đồng tiền, bát gạo với người nghèo, người bất hạnh. Đến nay, bà đã giúp hàng chục lượt người có hoàn cảnh khó khăn và đang trợ giúp cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện đa khoa thị xã khoảng 140 suất cơm/tuần/lần với số tiền khoảng 1 triệu đồng. Ngoài ra, bà Thu còn tặng quà cho học sinh vượt khó, hộ nghèo. Hàng năm, tổng số tiền làm từ thiện của bà Thu gần 50 triệu đồng.

Ở khu phố Phú Hưng, phường Phú Thịnh, ai cũng biết ông Quang “bánh mì” bởi không chỉ ông làm giàu từ bánh mì mà còn là “địa chỉ đỏ” thân thiện với người nghèo, lang thang, cơ nhỡ. Ông Trương Văn Quang đã từng làm đủ nghề, từ bốc vác, phu xe ở các bến bãi đến phụ hồ nhưng ông lại làm giàu từ nghề làm bánh mì. Năm 2009, khi cuộc sống đã bớt khó khăn ông Quang bắt đầu làm từ thiện và được vợ con ủng hộ nhiệt tình. Ông Quang cho biết: “Giúp người bằng việc làm cụ thể, mắt thấy, tai nghe, các con sẽ hiểu và làm theo. Giúp người cũng là giúp mình”. Đầu năm 2012, gia đình ông đã ủng hộ xây dựng, bàn giao 2 căn nhà tình thương cho 2 hộ nghèo ở phường Phú Đức trị giá 20 triệu đồng/căn. Gia đình ông Quang thường xuyên ủng hộ bếp cơm tình thương ở Bệnh viện Đa khoa thị xã mỗi tháng 100-200kg gạo và hơn 1 triệu đồng; trao quà cho hộ nghèo mỗi năm 2 lần, mỗi lần 250-300 phần quà. Tổng số tiền làm từ thiện của gia đình ông Quang hơn 100 triệu đồng/năm.

GÓP SỨC LÀM TỪ THIỆN

9 tháng đầu năm 2012, các cấp Hội chữ thập đỏ thị xã Bình Long đã vận động quyên góp xây dựng 19 căn nhà tình thương, sửa chữa 5 căn nhà; hỗ trợ lương thực, thực phẩm; tặng sổ tiết kiệm, học bổng cho học sinh, tặng quà cho hộ nghèo, khó khăn… Tổng giá trị quy thành tiền hơn 1,4 tỷ đồng. Hội chữ thập đỏ các cấp đã vận động 114 tập thể, cá nhân trợ giúp 1.820 lượt người với tổng giá trị gần 1,943 tỷ đồng.

Ông Vũ Văn Thẩm, Phó chủ tịch Hội chữ thập đỏ thị xã Bình Long nói: Từ việc làm thiết thực, cụ thể của cá nhân, gia đình, tổ chức trên địa bàn đã giúp nhiều hoàn cảnh khó khăn. Đó là cách để mọi người thể hiện trách nhiệm, tình thương với cộng đồng, cùng chính quyền góp sức xóa đói giảm nghèo. Từng phần việc nhỏ đã minh chứng cho hiệu quả của việc học và làm theo tấm gương giản dị, vì mọi người của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hội Chữ thập đỏ thị xã Bình Long là đơn vị điển hình trong hoạt động cứu trợ, vận động các nhà hảo tâm trợ giúp đối tượng khó khăn trên địa bàn. Từ ý nghĩa thiết thực trong mỗi phần việc, hội đã tích cực tuyên truyền và kêu gọi sự ủng hộ của toàn thể nhân dân. Phong trào nuôi heo đất và xây dựng “Hũ gạo tình thương”, “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” ở từng chi, tổ, hội.

Tinh thần “Tương thân tương ái”, “Lá lành đùm lá rách”... đã trở thành truyền thống tốt đẹp bao đời nay của người dân Việt Nam. Sự sẻ chia từ những tấm lòng nhân ái đã giúp nhiều mảnh đời bất hạnh, giúp họ có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

Hải Châu

  • Từ khóa
1700

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu