Thứ 5, 25/04/2024 16:21:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 10:29, 24/03/2017 GMT+7

Giúp nông dân liên kết để tăng chuỗi giá trị sản phẩm

Thứ 6, 24/03/2017 | 10:29:00 107 lượt xem
BP - Trong chuyến thị sát tình hình sản xuất, hoạt động của các thành viên hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giữa tháng 3 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi đã khẳng định “đã đến lúc không thể để người nông dân đứng lẻ loi một mình trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp”.

Theo đó, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu lãnh đạo các cấp huyện, xã phải làm thế nào để giúp nông dân làm ra sản phẩm sạch để nâng cao giá trị, nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Trước đó, tại buổi họp mặt các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất - nhập khẩu sản phẩm điều trên địa bàn tỉnh, tổ chức ngày 14-2-2017, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi cũng đã chỉ rõ: “Phải liên kết để nâng cao năng suất, chất lượng cho cây điều; phải liên kết giữa nông dân với các nhà khoa học, với doanh nghiệp để tạo chuỗi giá trị gia tăng cho cây điều”. Như vậy, liên kết chính là sự sống còn không chỉ của doanh nghiệp mà của từng hộ nông dân hiện nay.

Trong một lần tiếp xúc với phóng viên Báo Bình Phước gần đây, chủ trang trại gà sạch Nguyễn Anh Thái ở xã Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh đã phải tiếc ngơ tiếc ngẩn khi người của Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Siêu thị Co.op Mart Đồng Xoài đến đặt vấn đề cung cấp 5 tấn thịt sạch mỗi tuần theo các tiêu chuẩn quy định về cách nuôi, thời gian nuôi với giá thu mua 160 ngàn đồng/kg trong khi giá gà nuôi bình thường ngoài thị trường chỉ 90-100 ngàn đồng/kg mà anh không thể đáp ứng được. Điều đó thể hiện sự yếu kém của anh Thái nói riêng, các chủ trang trại nói chung trên địa bàn tỉnh trong liên kết làm ăn.

Có thể nói trong hoạt động sản xuất và kinh doanh, người Việt Nam rất yếu về tính liên kết. Chuyện hùn hạp làm ăn của đa số người Việt thường không bền. Và vì không ai tin ai nên cũng chẳng ai vì ai cả. Điều này khác hẳn người Thái, người Hàn, người Trung Quốc. Người ta “buôn có bạn, bán có phường”, mua thì cùng mua, bán cùng bán. Và không mua không bán thì tất cả đồng lòng. Từ sự đồng lòng ấy mà các thương nhân Trung Quốc vào Việt Nam mua cả những thứ chẳng để làm gì, nhưng họ vẫn làm khuynh đảo thị trường, gây rối ren an ninh trật tự và làm cho những thương nhân người Việt phải “đo ván” vì sự thiếu liên kết của mình.

Ở nước ta hiện nay, vẫn chủ yếu là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ theo hộ gia đình. Thế nhưng hộ cá thể lại không có điều kiện tổ chức liên kết “4 nhà”, vì đây chỉ là một biện pháp để thực hiện liên kết chuỗi giá trị. Hơn nữa, trong hầu hết mối liên kết, lợi ích của người nông dân còn thấp, thậm chí họ mới chỉ “lấy công làm lãi”. Nông dân luôn ở thế bị động, vật tư đầu vào và sản phẩm đầu ra hoàn toàn bị lệ thuộc. Nhận rõ điều này, vấn đề liên kết trong sản xuất - kinh doanh đã được Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành, hiệp hội thực hiện. Ngay tại Bình Phước, dự án phát triển hồ tiêu bền vững theo mô hình liên kết giữa người trồng tiêu với Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam đã mang lại hiệu quả rõ rệt và quan trọng là đôi bên cùng có lợi. Nhìn rộng ra cả nước, chúng ta được thế giới biết đến với một thị phần lớn cho việc cung ứng gạo, hạt điều, cà phê và một số nông sản.

Đáng tiếc là ta mới chỉ xuất khẩu nguyên liệu và các mặt hàng của ta đang phải bán giá thấp hơn mức bình quân của cùng loại sản phẩm trên thế giới. Chính vì thế, giúp người nông dân liên kết để tăng chuỗi giá trị sản phẩm là việc làm cần thiết của các ngành, các cấp.

Nguyên Thủy

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu