Thứ 6, 19/04/2024 11:19:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giải trí 16:03, 12/10/2015 GMT+7

Gỡ xương cá

Thứ 2, 12/10/2015 | 16:03:00 255 lượt xem
BPO - Tôi chỉ cần một người chồng biết sẻ chia, biết cùng tôi vun đắp những niềm vui nhỏ bé. Con tôi cũng cần một người cha biết quan tâm dạy dỗ...

Bạn có lần từng càu nhàu: “Mấy mụ đàn bà suốt ngày lên facebook khoe khoang chồng nấu món này, món nọ. Loại đàn ông chỉ biết rúc đầu vào bếp thì còn làm được công to việc lớn gì nữa”.

Tôi đơ mất mấy giây vì chợt nghĩ: “Hình như bạn đang nói chồng mình”, dù tôi chẳng bao giờ khoe chồng như người khác. Như cũng biết mình vừa lỡ lời, bạn vội đính chính: “Dĩ nhiên là trừ chồng cậu”. Tôi cười xua tay: “Có sao đâu”.

Thật ra, tôi chỉ cần một người chồng biết sẻ chia, biết cùng tôi vun đắp những niềm vui nhỏ bé. Con tôi cũng cần một người cha biết quan tâm dạy dỗ, biết sốt sắng sờ trán con lúc bệnh, biết làm diều, sửa đồ chơi và đọc truyện cổ tích cho con nghe trước giờ đi ngủ.

Đó mới thực sự là người đàn ông của mẹ con tôi. Suốt bao nhiêu năm chung sống, có một hình ảnh của chồng luôn khiến tôi luôn cảm động là anh hay ngồi gỡ xương cá cho vợ con. Sự tỉ mẩn chu đáo ấy vừa tạo cảm giác thương yêu, gần gũi lại vừa tạo sự yên tâm.

Trong hôn nhân, người vợ hay người chồng cũng đều phải có những lúc ngồi gỡ những bế tắc như gỡ xương cá. Để làm gì ư? Để có bữa cơm ngon, có bát canh ngọt. Để không còn những ngờ vực nhọn như xương cá làm tổn thương các mối quan hệ gia đình.

Go xuong caẢnh mang tính minh họa - Nguồn: Internet

Chồng tôi chỉ là anh công nhân bình thường, làm theo ca kíp. Lương cộng ngược, cộng xuôi các khoản của anh chỉ được sáu triệu đồng một tháng. Tôi cũng không khá hơn là mấy, kinh doanh ngày càng khó khăn, hàng hóa bán không được là bao, trừ tiền thuê nhân viên thì lãi lời còn rất ít.

Với thu nhập như thế mà sống ở cái thành phố đắt đỏ bậc nhất này thì quả là khó xoay xở. Tôi phải thu vén lắm mới không thiếu hụt và mỗi tháng dư ra một khoản ít ỏi gửi về cho bố mẹ hai bên ở quê.

Có lần con ốm phải nằm viện cả tháng, trong nhà cạn kiệt không còn đồng nào, thấy tôi phải vay mượn bạn bè, anh rất buồn. Anh càng buồn hơn những khi bạn tôi đến chơi, khoe chồng mình lương tính bằng đô, tháng vài chục triệu đồng, chưa kể các khoản hoa hồng.

Anh bần thần nghĩ ngợi, nhiều khi như người mất hồn. Đã có lúc anh định nghỉ việc đi xuất khẩu lao động bên Nhật cùng mấy người họ hàng xa. Anh tính: “Vay mượn hai trăm triệu đồng để đi, lương mỗi tháng gần bốn chục triệu. Nếu chăm chỉ làm thêm có khi còn hơn. Anh đi vài năm, nếu thuận lợi sẽ ký tiếp hợp đồng. Vợ chồng con cái chịu khó xa nhau nhưng mẹ con em sẽ bớt khổ. Nhìn em cực nhọc mà chẳng kiếm được bao nhiêu anh xót lắm”.

Anh hào hứng vậy nhưng tôi thì ỉu xìu. Tiền ai mà không ham nhưng tôi chẳng muốn anh đi xa chút nào. Biết anh sang đó sẽ sướng khổ ra sao khi một thân một mình nơi đất khách quê người?

Lúc anh ốm đau lấy ai chăm sóc? Lúc anh muộn phiền, tôi cũng đâu thể ở bên cạnh để chia sẻ. Rồi những đêm vắng anh với vô vàn nỗi sợ hãi vây quanh, mẹ con tôi làm sao chống chọi? Đời sống bao nhiêu là cám dỗ, biết có vững lòng để đợi chờ nhau?

Tôi can ngăn nhưng xem ra anh quyết tâm lắm. Tôi biết anh mặc cảm khi không kiếm được nhiều tiền để vợ con thua thiệt bạn bè, nên phải lựa lời để làm dịu lòng anh. Đêm nằm dụi đầu vào chồ ng, tôi thủ thỉ chuyện xa gần, khơi lại những tháng ngày hai con còn bé xíu.

Lúc đó, anh hôm nào cũng vội vã trở về sau khi tan ca. Hai bên gia đình đều ở xa, mình anh cơm nước chăm vợ đẻ. Anh chợ búa khéo léo, biết đổi món từng bữa để vợ vừa không ngán lại vừa đủ chất nuôi con.

Nhà tuy không rủng rỉnh tiền bạc nhưng lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. Anh chưa bao giờ mua tặng tôi những món quà đắt tiền nhưng những niềm vui nho nhỏ thì không hề thiếu.

Chồng người ta đạo mạo, bảnh bao có khi chỉ muốn làm khách trong nhà, sống bao nhiêu năm không biết cầu dao điện nằm ở chỗ nào. Ống nước hỏng, máy giặt hư, nồi cơm điện chập cháy, nếu vợ không tự giải quyết thì bấm điện thoại gọi thợ.

Con cái học hành môn nào giỏi, môn nào dở cũng chẳng buồn bận tâm. Vợ vất vả vào bếp mà ăn món nào cũng chê không ngon bằng nhà hàng này, quán ăn kia. Vợ có vì mình mà chỉn chu váy áo thì bộ nào cũng lắc đầu quầy quậy. Chồng bạn tôi từng có lần dửng dưng buông câu “Có cá nấu chẳng nên canh. Có lụa là mà không biết mặc”.

Chồng bạn giỏi giang nên câu cửa miệng luôn mắng vợ là “đồ đàn bà”. Anh thì chẳng bao giờ nề hà từ chuyện hút mũi, thay bỉm, pha sữa cho con. Bạn ốm nằm nhà tủi thân, than chồng sao vô tâm chẳng dòm ngó gì đến, có khóc lóc đòi được hỏi han thì chồng bạn bảo:

“Anh còn trăm công ngàn việc. Em ốm thì tự mua thuốc uống, chờ đợi làm gì. Đau bụng, sổ mũi, nhức đầu… cái gì cũng kêu anh. Em không để cho anh thở chắc”.

Vậy mới nói ông trời không cho ai tất cả, cũng không lấy đi của ai tất cả. Tôi nói rằng, anh chính là tài sản, là cái kết có hậu nhất trong cuộc đời tôi, để anh đừng lăn tăn khi không mua được cho vợ túi xách xịn, quần áo đắt tiền hay những thỏi son hấp dẫn. Mấy thứ đó thật ra cũng chỉ là đồ trang sức. Mà đã là trang sức thì đeo lên được cũng gỡ xuống được dễ dàng.

Anh nghe tôi, thôi không tính chuyện đi Nhật nữa. Vậy là tôi đã gỡ bỏ được những rối rắm, mặc cảm trong lòng anh và khơi dậy hạnh phúc đời thường; như là cách anh hay ngồi tỉ mẩn gỡ sạch xương cá trước khi gắp vào bát cho vợ con.

Người đàn bà có thể rung động trước hàng trăm điều phù phiếm, lãng mạn trên đời, nhưng tôi thì lần nào cũng bùi ngùi khi ăn miếng cá đã được chồng gỡ xương sạch sẽ. Gắp cho nhau miếng này, nhường nhau miếng kia, khen cơm sao dẻo, canh chua sao vừa miệng thế, để thấy mái ấm chỉ dành cho người biết nâng niu hạnh phúc.

Nguồn PNO

  • Từ khóa
107724

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu