Thứ 5, 18/04/2024 13:03:54 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 08:30, 06/10/2015 GMT+7

Một cảnh đời bất hạnh

Thứ 3, 06/10/2015 | 08:30:00 422 lượt xem
BP - Khu dân cư ấp 7, xã Lộc Thuận, huyện Lộc Ninh có mấy chục mái nhà, trong đó có một hoàn cảnh thật đáng thương. Đó là gia đình bà Lê Thị Liễu và 3 đứa con bị tâm thần.

Bà Liễu vô vọng vì hoàn cảnh bi thương của các con

Nghẹn ngào trong nước mắt, giọng nói đứt quãng, bà Liễu chậm rãi kể về cuộc sống của mình. Bà sinh ra và lớn lên tại huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Đây là vùng khủng bố trắng của kẻ thù trong chiến tranh chống Mỹ. Để bảo vệ cho thành cổ Quảng Trị, thị xã Đông Hà và thành phố Huế đã bị kẻ thù lập vành đai trắng bằng chất độc da cam và những trận mưa bom bão đạn. Năm 16 tuổi, khi chiến tranh vừa kết thúc, bà Liễu theo tiếng gọi của Tổ quốc đi xây đắp công trình thủy lợi Đập Trấm, phía Nam sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị và bị nhiễm chất độc da cam lúc nào không hay.

18 tuổi, bà vào Bình Phước lập nghiệp, lấy chồng và lần lượt sinh 6 người con. Thế nhưng, 5 đứa con vừa mới chào đời đã vội từ giã cuộc sống, chỉ còn một người con trai nhưng bị bệnh tâm thần. Chồng chết, bà ở vậy nuôi con. Thương chị gái sớm sống cảnh góa chồng với đứa cháu tâm thần, ông Lê Đức Hiệp - em trai bà Liễu đã làm mai, động viên chị mình đi bước nữa để mong có thêm những đứa con khỏe mạnh, sau này về già có nơi nương tựa và lo cho người con bị tâm thần. Những tưởng cuộc sống đơm hoa, nhưng bất hạnh lại dồn vào đôi vai bà khi sinh thêm hai người con gái, một bị tâm thần, một thì bại não. Cuộc sống vốn đã cơ cực nay càng nặng nề hơn vì căn bệnh quái ác của các con. Mãi sau này bà tìm hiểu mới biết đó là do hậu quả của chất độc da cam mà bà nhiễm phải khi làm thủy lợi ở Đập Trấm. Đã vậy, người chồng thứ hai cũng mất sớm làm cho cuộc sống của bà thêm bất hạnh.

Để có tiền nuôi con, không kể ngày đêm, bà làm thuê hoặc vào lô mót mủ cao su, nhặt củi bán mua gạo đắp đổi qua ngày. Những lúc đi làm, bà Liễu phải khóa cửa nhốt các con trong nhà. Bởi nếu không chúng sẽ lang thang mà lạc mất. Năm 2012, Tổng công ty Khí Việt Nam - Công ty cổ phần PV gas và một nhà hảo tâm giấu tên ở huyện Lộc Ninh đã xây dựng cho mẹ con bà một căn nhà đại đoàn kết và tặng các vật dụng trong gia đình. Từ đó đến nay, hằng tháng nhà hảo tâm này còn hỗ trợ gạo, thuốc men cho các con bà. Hiện 3 người con của bà đã được hưởng chế độ bảo trợ dành cho người khuyết tật với tổng số tiền 990 ngàn đồng/tháng. Riêng bà, vì không còn giấy tờ chứng minh mình đã tham gia làm thủy lợi ở Đập Trấm nên không được hưởng chính sách dành cho nạn nhân nhiễm chất độc da cam. Mặc dù những người đi làm thủy lợi với bà ngày đó đều đã được hưởng chế độ này. Bà nói: “Ngày đó cứ 10 người đi làm thủy lợi ở Đập Trấm thì có tới 7 người bị di chứng của chất độc da cam. Tôi cũng không được hưởng chế độ nuôi dưỡng 3 đứa con tâm thần nên cuộc sống càng khó khăn hơn”.

Vất vả để bươn chải mưu sinh, một tay bà còn phải chăm sóc từ bữa ăn, giấc ngủ đến mọi sinh hoạt cá nhân cho cả 3 người con bệnh tật. Nay tuổi đã gần 60, sức khỏe yếu, bà lo sau này không ai chăm sóc các con khi tuổi xế chiều... Bà Liễu chỉ mong các con được vào Trung tâm Nuôi dưỡng người già, tàn tật và trẻ mồ côi của tỉnh (ở Lộc Ninh) để có nơi nương tựa lúc bà khuất bóng. Đây là mơ ước duy nhất của bà Liễu lúc này. Mong rằng, hoàn cảnh bi thương của mẹ con bà Liễu ngoài sự dang rộng vòng tay từ cộng đồng thì mơ ước của bà sớm được Trung tâm Nuôi dưỡng người già, tàn tật và trẻ mồ côi của tỉnh quan tâm giúp đỡ.  

Hiền Lương

  • Từ khóa
91260

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu