Thứ 5, 28/03/2024 21:18:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:35, 26/05/2015 GMT+7

Góp ý dự thảo Luật Dân sự sửa đổi: Áp dụng pháp luật Dân sự

Thứ 3, 26/05/2015 | 15:35:00 1,204 lượt xem
BPO - Điều 10 trong Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi gồm có 2 khoản, với nội dung như sau: 1. Bộ luật này là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự. 2. Các luật có liên quan điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể không được trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại mục 1 của Chương này; trường hợp các luật có liên quan không quy định thì áp dụng quy định của Bộ luật này.

Theo ý kiến của cá nhân tôi thì khoản 1 điều này quá chung chung, nên rất khó thực thi. Vì vậy, ở đây cần chỉ rõ quan hệ dân sự ở Việt Nam được điều chỉnh bởi BLDS và nhiều luật khác có liên quan, điều chỉnh trực tiếp một số quan hệ dân sự cụ thể. Kiến nghị Ban soạn thảo liệt kê các luật này (luật quốc tịch, luật hôn nhân và gia đình, luật đất đai,… để đảm bảo tính hệ thống, minh bạch và dễ tra cứu. Đồng thời, ở khoản 2 cần có quy định điều luật dẫn chiếu đến các luật riêng điều chỉnh các vấn đề dân sự cụ thể. Do đó, tôi đề xuất bổ sung quy định áp dụng việc dẫn chiếu.

Từ ý kiến trên, tôi đề nghị sửa tên của điều 10 như sau: Điều 10. Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan. Về nội dung của Điều 10, tôi đề nghị chia làm 3 khoản với nội dung cụ thể như sau: 1. Pháp luật dân sự bao gồm Bộ luật này và các luật có liên quan điều chỉnh các quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể. 2. Bộ luật này là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự. 3. Các luật có liên quan điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể không được trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Mục 1 của Chương này. Các luật có liên quan này được ưu tiên áp dụng trong các lĩnh vực cụ thể. Trường hợp các luật có liên quan không quy định thì áp dụng quy định của bộ luật này.

Quy định về áp dụng tập quán, tại Điều 11 trong dự thảo Bộ luật Dân sự có quy định như sau: 1. Tập quán là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng về quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ dân sự, được thừa nhận và áp dụng một cách rộng rãi, lặp đi lặp lại một thời gian dài trong một lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc một lĩnh vực hoạt động cụ thể mà không được quy định trong pháp luật. 2. Trường hợp các bên không có thoả thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán. Tập quán không được trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại mục 1 của chương này, không vi phạm điều cấm của luật và những quy định bắt buộc trong hợp đồng.

Trong xây dựng pháp luật, việc áp dụng tập quán là cần thiết để lấp chỗ hổng của pháp luật thực định, được nêu thành một điều riêng của Bộ luật Dân sự sửa đổi và nêu rõ các điều kiện áp dụng tập quán là một cải tiến so với Điều 3 của bộ luật Dân sự 2005. Và thực tế cho thấy, các bộ luật Dân sự trước đây thường đưa ra các quy định bắt buộc dưới dạng “phải tuân thủ các nguyên tắc chung của luật pháp, không vi phạm trật tự công (quốc gia) và thuần phong mỹ tục”. Trật tự công (quốc gia) là khái niệm chung bao hàm “lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác” như đã nêu ở Điều 7 của Dự thảo bộ luật Dân sự này. Cũng tương tự như vậy, thuần phong mỹ tục là khái niệm chung bao hàm “Nguyên tắc tôn trọng đạo đức, truyền thống tốt đẹp” như đã nêu ở Điều 6 của Dự thảo bộ luật Dân sự. Từ phân tích trên, tôi đề nghị trọng dự thảo Bộ luật Dân sự cần ghi nhận khái niệm “trật tự công” đã được đề cập lần đầu tiên tại các Điều 691, Điều 693 của Dự thảo bộ luật Dân sự sửa đổi khi đề cập đến việc áp dụng pháp luật đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài (tư pháp quốc tế). Trong một tương lai không xa tôi hy vọng nhà lập pháp Việt Nam sẽ áp dụng rộng rãi khái niệm “trật tự công” và “thuần phong mỹ tục” cho toàn bộ hệ thống pháp luật quốc gia để các khái niệm cơ bản của luật pháp Việt Nam trùng với các khái niệm phổ cập của quốc tế.

Vì vậy, tôi đề xuất ý kiến nên sửa lại Điều 11 như sau: 1. Tập quán là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng về quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ dân sự, được thừa nhận và áp dụng một cách rộng rãi, lặp đi lặp lại một thời gian dài trong một lĩnh vực cụ thểmà không được quy định trong pháp luật. 2. Trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán. Tập quán không được trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Mục 1 của Chương này, không vi phạm trật tự công (quốc gia) và thuần phong mỹ tục.

DV

  • Từ khóa
13193

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu