Thứ 5, 18/04/2024 22:21:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:38, 26/05/2015 GMT+7

Góp ý dự thảo Luật Dân sự sửa đổi: Áp dụng tương tự pháp luật

Thứ 3, 26/05/2015 | 15:38:00 1,535 lượt xem

BPO - Điều 12 trong dự thảo bộ luật Dân sự sửa đổi là những quy định về áp dụng tương tự pháp luật, với nội dung như sau: 1. Trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thoả thuận, pháp luật không có quy định trực tiếp và không có tập quán thì áp dụng quy định pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự (tương tự pháp luật) để giải quyết. 2. Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều này thì áp dụng những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại mục 1 của Chương này và lẽ công bằng để giải quyết.

Với hai trường hợp được đặt ra trong Điều 12 khi không có quy định pháp luật điều chỉnh một quan hệ dân sự sẽ xảy ra hai tình huống như sau: Thứ nhất là có thể áp dụng tương tự pháp luật: Khả năng này được nêu thành một điều riêng của BLDS sửa đổi và nêu rõ các điều kiện áp dụng tương tự pháp luật là một cải tiến so với Điều 3 của BLDS 2005. Thứ hai là không thể áp dụng tương tự pháp luật. Vì việc áp áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự cùng với “lẽ công bằng” để giải quyết một quan hệ dân sự trong trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật. Đây là một giải pháp cho phép Tòa án xét xử một cách chủ động và sáng tạo một vụ, việc dân sự khi không có những quy định pháp luật cần thiết để áp dụng, những vẫn bảo đảm đem lại công bằng và công lý cho các bên liên quan. Hơn nữa, theo thông lệ quốc tế thì việc áp dụng lẽ công bằng phải được sự đồng ý của các bên đương sự. Vì vậy, theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như trong dự thảo là phù hợp, không cần phải sửa đổi, bổ sung.

Điều 19 là quy định về bảo vệ quyền dân sự thông qua cơ quan có thẩm quyền, với nội dung như sau: 1. Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác có trách nhiệm bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân. Trường hợp quyền dân sự bị vi phạm hoặc có tranh chấp thì việc bảo vệ quyền được thực hiện theo pháp luật tố tụng tại Tòa án hoặc trọng tài. Việc bảo vệ quyền dân sự theo thủ tục hành chính được thực hiện trong những trường hợp luật định. Quyết định giải quyết vụ việc theo thủ tục hành chính có thể được xem xét lại tại Tòa án. 2. Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; trong trường hợp này, quy định tại Điều 11 và Điều 12 của Bộ luật này hoặc án lệ được áp dụng để xem xét, giải quyết.

Ở Khoản 1 của Điều 19, cá nhân tôi không có ý kiến gì. Tuy nhiên, theo quy định như ở Khoản 2 thì Tòa án có nghĩa vụ phải giải quyết vụ, việc dân sự trong trường hợp không có quy định pháp luật. Trong bối cảnh này, Tòa án có thể lựa chọn: hoặc áp dụng tập quán (theo Điều 11) hoặc áp dụng tương tự pháp luật hay các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự cùng với lẽ công bằng - lựa chọn 3 (theo Điều 12) hoặc án lệ  (theo Điều 19). Vì việc đưa ra các lựa chọn này giúp cho Tòa án cân nhắc nên áp dụng lựa chọn nào là phù hợp để giải quyết một vụ việc dân sự trong trường hợp luật chưa có quy định.

Tuy nhiên, hiện nay khi mà chưa có tổ chức, cá nhân nào hệ thống hóa được các tập quán (vùng hoặc quốc gia) cũng như các án lệ có thể dùng được cho Tòa án thì rõ ràng khả năng áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự cùng với lẽ công bằng  (theo Điều 12) để giải quyết một vụ, việc dân sự trong bối cảnh chưa có quy định pháp luật điều chỉnh là hiện thực hơn cả. Vì vậy, tôi đề nghị sửa khoản 2 như sau: 2. Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Trong trường hợp này, Tòa án có quyền lựa chọn hoặc áp dụng tập quán (theo Điều 11) hoặc áp dụng tương tự pháp luật hoặc các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự cùng với lẽ công bằng (theo Điều 12) hoặc án lệ để xem xét giải quyết.

TH

  • Từ khóa
13194

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu