Thứ 6, 29/03/2024 12:27:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 07:23, 27/01/2015 GMT+7

Gương sáng Bùi Thị Nhạn

Thứ 3, 27/01/2015 | 07:23:00 513 lượt xem

BP - Bùi Thị Nhạn sinh năm 1917, tại thôn Cống Thủy, xã Khánh Mậu, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, trong một gia đình nông dân nghèo. Nạn đói năm 1945 đã cướp đi sinh mạng cha mẹ và bốn anh em của chị. Ngay sau ngày Cách mạng tháng 8-1945 thành công, chị tham gia Hội Phụ nữ cứu quốc cùng xóm làng xây dựng cuộc sống mới. Chẳng bao lâu, quân Pháp nhảy dù đánh chiếm Phát Diệm.

Theo chủ trương của cấp trên, sau thời gian tạm lánh, chị lại cùng bà con trở về quê hương làm ăn sinh sống và tổ chức lực lượng kháng chiến. Nhà chị được chọn làm nơi hẹn gặp của cán bộ hoạt động trong vùng địch hậu. Vợ chồng chị đều được chọn làm giao liên của huyện Kim Sơn. Ngày ngày, chị làm bạn với cái giỏ bên hông lặn lội ngoài đồng vừa để kiếm cá, bắt cua sinh sống vừa che mắt địch đem tài liệu của Đảng đến các cơ sở kháng chiến trong huyện. Chị làm công tác địch vận rất giỏi. Bằng nhiều cách tuyên truyền, giải thích, chị đã lôi kéo được một số anh em vệ sĩ bỏ hàng ngũ giặc về nhà làm ăn, nhưng rồi hoạt động của chị bị địch đánh hơi thấy.

Tháng 3-1950, thấy phong trào du kích trong vùng phát triển, mặc dầu chưa có đầy đủ chứng cớ nhưng tên phản động Phi khoác áo linh mục núp trong nhà xứ Dưỡng Điềm đã ra lệnh bắt chị. Sau hơn một tháng dùng mọi thủ đoạn từ dụ dỗ, dọa “rút phép thông công” đến tra tấn dã man nhưng cũng không khai thác được gì ở chị, cuối cùng địch buộc phải trả lại tự do cho chị. Về nhà, thấy chị bị tra tấn với nhiều thương tích trên người, anh em cán bộ quyết định để chị tạm nghỉ công tác một thời gian phục hồi sức khỏe. Nhưng chỉ sau 10 ngày thấy đi lại được, chị gặp cán bộ nằng nặc đòi được giao nhiệm vụ. Và chị lại hăng hái chuyển tài liệu đến tận các cơ sở kháng chiến trong tiểu khu.

Chị còn khéo tổ chức được một tổ thiếu nữ làm nhiệm vụ canh gác, bảo vệ cán bộ. Cháu Lê Thị Cống - con gái đầu của chị, cũng tích cực tham gia hoạt động trong tổ chức này. Để đẩy mạnh hoạt động chiến tranh du kích trong lòng địch, từ đầu tháng 10-1950, theo chủ trương của trên, đội tuyên truyền vũ trang của ta đã ném lựu đạn và vũ trang tuần hành ngay ban ngày ở các thôn Định Hướng, Dục Đức, đốt điếm canh của bảo an thôn Đồng Nhân, Tuân Hóa... Hoảng sợ, giặc cho bọn vệ sĩ kéo đến nhà anh Chú, rồi ập vào nhà chị Nhạn. Chồng chị chạy thoát.

Ngày 12-10-1950, bọn vệ sĩ lại đến vây nhà chị. Một tên nhét gói truyền đơn vào đống rạ. Tên khác la lối dỡ đống rạ và kêu thét đòi khám nhà. Gói truyền đơn chúng vừa dúi vào rồi lại lôi ra và nói là có truyền đơn trong nhà. Thế là chúng bắt chị đi cùng với đứa con mới 8 tháng tuổi vào bốt Dưỡng Điềm. Ngày hôm sau, chúng còn bắt anh Hữu, anh Tiệp, anh Giao và chị Bảy. Ngày 18-10-1950, chúng lập trò xét xử, quyết định tử hình chị Nhạn và anh Giao. Trước sự chứng kiến của đông đảo dân làng, chị giật mảnh vải đen ném xuống đất và thét vào mặt bọn giặc:

- Tao chết cho cách mạng, chúng mày hãy nhớ lấy! Chúng mày sẽ không bao giờ được chết như tao.

Sau đó, chúng dẫn chị đi và trói vào một cây cọc được đóng sẵn ở ngã ba chợ Hồi Thuần. Sau nhiều loạt đạn của địch, chị từ từ ngã xuống. Chị đã hy sinh anh dũng, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân. Đảng bộ Kim Sơn đã làm lễ truy nhận chị là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Những năm tháng chống Mỹ cứu nước, Tỉnh hội phụ nữ Ninh Bình và Huyện hội phụ nữ Kim Sơn đã lấy tấm gương hy sinh anh dũng của chị Bùi Thị Nhạn để giáo dục phụ nữ trong huyện và tỉnh. Nhiều chiến dịch sản xuất mang tên chị đã đem lại kết quả tốt đẹp.

Lời bàn:

Lịch sử của nước ta là lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Và từ thực tế đó, người phụ nữ Việt Nam có bản sắc phong cách riêng: Họ là những chiến sĩ chống ngoại xâm kiên cường, dũng cảm; là người lao động cần cù, sáng tạo, thông minh; là người giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giữ gìn, phát triển bản sắc và tinh hoa văn hóa dân tộc; là những người mẹ dịu hiền, đảm đang, trung hậu đã sản sinh ra những thế hệ anh hùng của dân tộc anh hùng. Những trang sử hào hùng của đất nước ta đã ghi lại và xã hội ghi nhận, đánh giá cao vai trò của phụ nữ Việt Nam trong suốt tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Đã có nhiều thế hệ và rất nhiều tấm gương phụ nữ sáng ngời về lòng trung thành với Tổ quốc, về đức hy sinh, tinh thần dũng cảm, quyết tâm bảo vệ Tổ quốc và tấm gương của liệt sĩ Bùi Thị Nhạn là một minh chứng.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”; “... Nhân dân ta anh hùng là nhờ có các bà mẹ Việt Nam anh hùng”, “Dân tộc ta và Đảng ta đời đời biết ơn các bà mẹ Việt Nam sinh ra và cống hiến những người con ưu tú đã và đang chiến đấu anh dũng bảo vệ non sông gấm vóc do tổ tiên ta để lại”... Và dù ở đâu, bất cứ trong hoàn cảnh nào, nếu ai quên điều này thì đó chắc chắn không phải là người Việt Nam.  

K.N

  • Từ khóa
109626

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu