Thứ 6, 29/03/2024 20:04:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 09:30, 09/12/2013 GMT+7

Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể - Hướng đến phần tinh hoa, nguyên gốc

Thứ 2, 09/12/2013 | 09:30:00 281 lượt xem

Việc UNESCO vừa công nhận nghệ thuật đờn ca tài tử của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là một tin vui, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức về việc bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật đặc sắc này. Phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam), người đã dành nhiều thời gian, tâm huyết trong việc nghiên cứu loại hình âm nhạc cổ Việt Nam.

- Phóng viên: Chỉ mới xuất hiện khoảng 100 năm nhưng Đờn ca tài tử lại có sức lan tỏa mạnh mẽ nhờ sự hòa trộn nhiều âm hưởng, giai điệu dân gian. Có thể lý giải điều này thế nào, thưa ông?

>> Nhà nghiên cứu BÙI TRỌNG HIỀN: Hiện nay đờn ca tài tử là loại hình có sức sống mạnh mẽ nhất, có số lượng khán giả đông nhất, có số lượng người thực hành nhiều nhất trong tất cả các thể loại cổ nhạc Việt Nam. Đờn ca tài tử thừa hưởng được âm điệu của nhạc tuồng Bắc, của nhạc cung đình thính phòng Huế và của nhạc lễ Nam bộ. Nó thể hiện dòng chảy di cư của người Việt từ phương Bắc đến phương Nam như là một vạch nối của lịch sử, thể hiện tất cả tinh hoa của đàn dây và đẩy nghệ thuật đàn dây lên đỉnh cao. Số lượng bài bản lớn nhất, cấu trúc bài bản cũng là phức tạp nhất và dài nhất, tạo nên một “mảnh đất hết sức màu mỡ” cho người độc tấu và hòa tấu để thi thố tài năng của từng cá nhân trên “mảnh đất” ấy.

- Tính ngẫu hứng của đờn ca tài tử rất cao, liệu đó có thể là điều khiến cho nghệ thuật này dễ nảy sinh các dị bản, thưa ông?

Sự phong phú về số lượng, cũng như khả năng đáp ứng được mọi cung bậc cảm xúc của loại hình âm nhạc này khiến tính ứng dụng của nó trong đời sống được đẩy lên rất cao. Bởi, đờn ca tài tử là loại hình vẫn đang phát triển và rất gần với khả năng thưởng thức của thính giả, nên không cần phải “cắt gọt” để phục vụ khách du lịch như những di sản khác. Trong hàng chục năm qua, cộng đồng dân cư Nam bộ đã tự bảo tồn đờn ca tài tử một cách hoàn hảo. Khả năng bị biến dạng, pha tạp của đờn ca tài tử cũng không nhiều. Thêm nữa, truyền thống thực hành loại nhạc này được duy trì cả trăm năm nay rồi và tương đối bền vững.

- Nhưng trên thực tế, đã có nhiều cảnh báo về việc các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam sau khi được công nhận đã không có được sự lan tỏa như kỳ vọng?

Cái dở nhất của bảo tồn là chạy theo phong trào, theo số đông. Như tại Phú Thọ chẳng hạn, địa phương muốn nhân rộng các câu lạc bộ Hát Xoan, muốn trong tương lai toàn bộ người dân Phú Thọ đều biết Hát Xoan, trong khi đó 4 phường Xoan cổ với các nghệ nhân lớn tuổi đang hoạt động lây lất. Thay vì “xoan” hóa cả tỉnh bằng cách đưa vào giảng dạy trong trường thì nên bảo tồn thật tốt 4 phường Xoan cổ bằng cách hỗ trợ kinh tế, hỗ trợ hoạt động giảng dạy truyền bá. Tương tự ở Bắc Ninh cũng vậy, khái niệm “làng Quan họ” đang bị hiểu sai khá nhiều. Cứ nơi nào tại Bắc Ninh có xuất hiện câu lạc bộ Quan họ thì được coi là làng Quan họ, mà không hề chú ý tới mối quan hệ kết nghĩa giữa các nhóm liền anh liền chị - nét đặc sắc nhất của Quan họ như trong nguyên gốc. Về bản chất, Quan họ là một thú chơi của các liền chị liền anh, chứ không phải loại hình đưa lên sân khấu biểu diễn tràn lan.

Đáng lẽ việc bảo tồn phải hướng đến phần tinh hoa, bảo trợ cho những nghệ nhân xuất sắc nhất, để giữ cho nghệ thuật truyền thống còn nguyên gốc thì chúng ta lại ưa thích kiểu “nhân rộng”, phổ cập… phát triển bảo tồn văn hóa dưới góc độ làm kinh tế du lịch. Như việc các câu lạc bộ, nhóm sinh hoạt Ca trù đã từng mọc lên như nấm sau khi di sản này được công nhận rồi sau đó cũng nhanh chóng lụi tàn bởi chưa có sự đầu tư nuôi dưỡng, phù hợp mà chỉ trông chờ vào du khách. Hay như câu chuyện các nghệ sĩ nữ cũng tham gia biểu diễn Nhã nhạc cung đình Huế hay việc “giao hưởng hóa” loại hình này cũng nảy sinh nhiều tranh luận gay gắt trong bảo tồn và phát triển.

Cái đích của danh xưng “di sản thế giới”, xét cho cùng, là nhu cầu đánh thức sự quan tâm để gìn giữ và bảo tồn của cộng đồng - chứ không thể dừng lại ở chuyện khai thác danh hiệu một cách tối đa để phục vụ du lịch và thỏa mãn lòng tự hào.

Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Nguyễn Thế Hùng: Di sản được vinh danh là sự ghi nhận công tác bảo tồn
Một di sản của Việt Nam được UNESCO vinh danh thì đồng thời cũng là sự đánh giá đối với việc Việt Nam đã bảo tồn di sản đó như thế nào trong những năm gần đây. Đó là sự ghi nhận những hoạt động mà chúng ta đã làm để bảo tồn, ghi nhận những nỗ lực của cộng đồng cũng như là ghi nhận những sự tham gia của cộng đồng và chính quyền địa phương vào việc bảo tồn đó chứ không phải là đến khi chúng ta được vinh danh chúng ta mới làm việc bảo tồn.

(Theo SGGP)

  • Từ khóa
90663

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu