Thứ 6, 19/04/2024 06:45:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 15:19, 11/02/2016 GMT+7

“Hai lúa” xuất ngoại

Thứ 5, 11/02/2016 | 15:19:00 157 lượt xem
BP - Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm, chúng tôi tìm đến nhà lão nông Nguyễn Văn Bớt ở ấp 5, xã Tân Hưng (Đồng Phú). Bên ly trà nóng, ông kể cho chúng tôi nghe chuyện đời, làm kinh tế rồi thành “chuyên gia” bất đắc dĩ để hướng dẫn cho sinh viên Trường đại học Nông Lâm về thực tập hay đi truyền đạt kinh nghiệm, bí quyết trồng ca cao xen điều cho nông dân tỉnh bạn...

Năm 2014, ông là nông dân duy nhất của Bình Phước cùng đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tham dự Festival Cocoa được tổ chức tại thành phố Ba-Li (Indonesia). Với ông, chuyến đi ngắn ngày nhưng đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý, nhất là về thị trường ca cao.

CHUYÊN GIA “BẤT ĐẮC DĨ”

Cũng như nhiều hộ nông dân “ba chìm, bảy nổi” với nhiều loại cây trồng nhưng vẫn không thoát được đói nghèo, ông Bớt rời Đắk Lắk về Bình Phước lập nghiệp với số vốn dành dụm được để mua lại vườn điều rộng 5 ha. Năm 2006, từ thông tin trên báo chí, ông Bớt biết đến mô hình ca cao xen canh trong vườn điều cho thu nhập cao nên tìm đến Viện Khoa học kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên để tìm hiểu và mua cây giống về trồng. Không mạo hiểm ở một chủng loại, ông mua 12 dòng ca cao khác nhau trồng xen canh thí điểm trên 2 ha điều. Thấy hiệu quả, ông tiếp tục mở rộng diện tích. Đến nay, vườn điều 5 ha của ông đều được trồng xen ca cao.

Lão nông Nguyễn Văn Bớt hướng dẫn sinh viên Trường đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tại vườn ca cao của gia đình

Vừa trồng vừa nghiên cứu, học hỏi, đến nay, vườn ca cao của ông đã bước sang năm thứ 9 với năng suất đạt 1,6-1,7 tấn/ha. Để bán được giá cao, ông học kỹ thuật lên men cho hạt ca cao. Với ca cao lên men, ông bán giá 70 ngàn đồng/kg hạt khô, 60 ngàn đồng/kg hạt xô. Trong khi ca cao không lên men chỉ bán giá 45-50 ngàn đồng/kg hạt khô. Ngoài nguồn thu ca cao, mỗi năm ông còn thu trên 10 tấn điều, kết hợp với nuôi gà thả vườn. Với 5 ha, ông thu lợi trên 300 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.

Từ thành công của gia đình, năm 2008, 32 hộ dân trồng ca cao ở xã Tân Hưng đã liên kết với ông thành lập Tổ hợp tác ca cao Tân Hưng do ông làm tổ trưởng. Tổ hợp tác hoạt động trên tinh thần tự nguyện để truyền đạt cho nhau kinh nghiệm trồng, chăm sóc, chế biến và tiêu thụ ca cao nên không bị tư thương ép giá. Trong 2 năm 2012, 2013, ca cao rớt giá, nhiều nông hộ đã chạy theo phong trào chặt bỏ cây ca cao. Bởi vậy, từ 200 ha năm 2008 đến đầu năm 2015, Tổ hợp tác ca cao Tân Hưng chỉ còn 60 ha. Trăn trở với việc cây ca cao bị “khai tử” sớm, ông Bớt ngày đêm nghiên cứu đầu ra, tìm giải pháp vận động các hội viên không chặt bỏ mà tăng cường chăm sóc vườn cây để nâng cao năng suất. Cuối năm 2014 đến nay, giá ca cao tăng trở lại, nhiều hộ dân đã quay lại với cây trồng này. Năm 2015, Tổ hợp tác ca cao Tân Hưng trồng mới 15 ha xen canh trong vườn điều, nâng tổng diện tích lên 75 ha. Ông Bớt cho biết: “Trồng ca cao phải thăm vườn thường xuyên, kịp thời phát hiện sâu bệnh để điều trị, tỉa cành, tạo tán đúng cách và phải đảm bảo đủ phân bón, độ ẩm, bóng mát cho cây...”.

Từ mô hình xen canh cho hiệu quả kinh tế cao, ngôi nhà của ông Bớt ít khi vắng khách vì người dân khắp nơi tìm đến học hỏi kinh nghiệm. Không chỉ hướng dẫn cho nông dân trong tỉnh, từ năm 2013 đến nay, ông liên tục được mời đi báo cáo kinh nghiệm trồng ca cao tại các hội thảo, diễn đàn do Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT tổ chức. Nhiều đoàn khách các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đến nhà ông học hỏi kinh nghiệm. Ông đã hướng dẫn cho 15 sinh viên Trường đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh đến thực hiện các bài tập, khóa luận tốt nghiệp tại vườn xen canh ca cao của gia đình.

Sinh viên Nguyễn Thanh Tới, Khoa Lâm nghiệp, Trường đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Em được UBND xã Tân Hưng giới thiệu đến thực tập tại mô hình ca cao xen điều của ông Bớt. Mô hình này đang cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy chưa qua trường, lớp đào tạo nhưng ông Bớt có nhiều kinh nghiệm truyền đạt cho chúng em về kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, cách phòng trừ sâu bệnh. Đặc biệt, ông nhớ các thông số về chi phí đầu tư, sản lượng thu được qua các năm; những vấn đề đặt ra khi thực hiện xen canh, đa canh... như một chuyên gia thực thụ”.

...VÀ XUẤT NGOẠI

Thực hiện tốt mô hình ca cao xen canh dưới tán điều, năm 2014, ông Bớt vinh dự là nông dân duy nhất của tỉnh Bình Phước cùng đoàn cán bộ sở NN&PTNT các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Thuận, Ban quản lý Dự án hợp tác công tư (PPP) phát triển ca cao bền vững tại Việt Nam tham dự Festival Cocoa được tổ chức tại thành phố Ba-Li (Indonesia). Chuyến đi này đã giúp ông có thêm định hướng, chiến lược lâu dài để phát triển cây ca cao. 

Sau chuyến đi này, tôi rút ra một kinh nghiệm từ nước bạn là không nên độc canh cây ca cao và không trồng cây bằng hạt. Ở Indonesia, hầu hết ca cao được trồng bằng hạt, cây phát triển tự nhiên, không nhiều cành nhánh nên năng suất chỉ đạt 4-5 tạ/ha. Trong khi ca cao Việt Nam đạt 1,5 tấn/ha. Hạt ca cao ở Indonesia to, mẩy hơn nhưng ở nước bạn không thực hiện lên men nên chất lượng sôcôla không ngon như ở nước ta. 

Ông Nguyễn Văn Bớt

Ông Bớt kể: “Festival Cocoa - Indonesia tổ chức cuối năm 2014 với sự tham gia của 35 gian hàng từ các nước trong khu vực Đông Nam Á và một số tỉnh, thành của Indonesia. Đoàn Việt Nam cũng có một gian hàng trưng bày sản phẩm ca cao. Gian hàng này do tôi thuyết trình với người tham quan. Sau đó, chúng tôi được đến tham quan vườn ca cao cho năng suất cao của một hộ dân ở Indonesia và tham dự hội thảo đầu bờ được tổ chức ngay tại vườn”.

Qua trao đổi với nông dân Indonesia, ông Bớt biết được Chính phủ Indonesia rất quan tâm đến cây ca cao. Năm 2012, khi ca cao rớt giá, Chính phủ Indonesia đã tuyên truyền, vận động nông dân không chặt bỏ, đồng thời hỗ trợ phân bón giúp họ giảm chi phí đầu tư nên vẫn yên tâm giữ vững diện tích. Trong khi ở Việt Nam, nông dân đua nhau chặt bỏ. Chỉ tính riêng Tổ hợp tác ca cao xã Tân Hưng đã chặt bỏ 140 ha.

Lão nông Nguyễn Văn Bớt hướng dẫn sinh viên Trường đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tại vườn ca cao của gia đìnhLão nông Nguyễn Văn Bớt hướng dẫn sinh viên Trường đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tại vườn ca cao của gia đình

Ông Bớt nói: “Sau chuyến đi, tôi cập nhật được rất nhiều thông tin về thị trường ca cao thế giới. Tại Bờ Biển Ngà, một trong những quốc gia sản xuất ca cao hàng đầu thế giới nhưng cây ca cao đang bước vào thời kỳ già cỗi nên sẽ giảm lượng cung. Trong khi nhu cầu ca cao của thế giới ngày càng tăng, đặc biệt tăng cao ở một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia... Dự báo đến năm 2020, thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 1 triệu tấn ca cao. Trong khi Việt Nam có khí hậu và đất đai rất thích hợp cho cây ca cao phát triển. Sản phẩm ca cao Việt Nam đang xếp hàng đầu thế giới về chất lượng nên trong tương lai, cây ca cao sẽ “không phụ lòng người”, nhất là việc xen canh trong vườn điều sẽ làm tăng thu nhập cho nông dân”.

Trong câu chuyện đầu xuân mới, ông Bớt hồ hởi: “Gia đình tôi có được cơ ngơi như hôm nay là nhờ gắn bó với cây ca cao và điều. Vì vậy, tôi mong ngành nông nghiệp sang năm mới sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ, quan tâm hơn nữa đến người nông dân, đặc biệt là các hộ trồng điều để họ có cơ hội duy trì, phát triển vườn điều và đón một cái tết sung túc, ấm áp, no đủ”.

Minh Luận

 

  • Từ khóa
40056

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu