Thứ 4, 24/04/2024 08:06:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 06:36, 25/04/2015 GMT+7

Hạn hán ở Lộc Hưng

Thứ 7, 25/04/2015 | 06:36:00 136 lượt xem
BP - Nắng nóng kéo dài đã làm nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp nhiều nơi trên địa bàn tỉnh ngày càng cạn kiệt. Từ đó dẫn đến nhiều hệ lụy: Người dân phải đi xin hoặc mua nước về dùng; hàng trăm hécta đất trồng lúa bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên, trong khi nhiều lao động nông thôn thiếu việc làm thường xuyên. Và thực trạng này cũng đã, đang diễn ra ở xã Lộc Hưng (Lộc Ninh).


Hằng ngày, chị Sang phải đi chở từng can nước về trữ trong bồn dùng dần

“Khát” nước sinh hoạt

Cứ đến mùa khô, người dân xã Lộc Hưng lại đối mặt với việc thiếu nước trầm trọng. Nhà nào cũng lo chuẩn bị thùng phuy, bồn chứa, can nhựa... để chứa nước sử dụng hàng ngày. Người dân nơi đây chủ yếu dùng nước sinh hoạt từ giếng đào nên hầu hết đều trơ đáy về mùa khô. Một số giếng có độ sâu hơn 10m thì còn nước nhưng vẩn đục, nhiễm phèn nên không thể sử dụng. Để đối phó với nắng hạn kéo dài, người dân phải mua nước của các xe bồn từ nơi khác chở về bán hoặc mang can đến các hộ có giếng khoan ở ven suối xin nước.

Gọi ấp 2 là “ấp khát nước” cũng không sai. Bởi ở đây có khoảng 50% hộ dân thiếu nước. 20 hộ có giếng khoan nhưng đa số giếng đều cạn. Chúng tôi đến nhà chị Ngô Thị Sang đúng lúc chị vừa đi xin nước về. Gia đình chị dùng chung giếng đào với cha mẹ ở sát nhà nhưng giếng đã hết nước. Ngày nào cũng vậy, chị phải đi xin nước ở các hộ ven suối, gần bàu chứa nước, cách nhà khoảng 400m và chở từ 2-3 chuyến (mỗi chuyến 4 can nhựa loại 30 lít/can) bằng xe máy. Mỗi ngày, gia đình chị dùng hết 8 can nước cho ăn uống, tắm giặt. Chị Sang than phiền: “Khổ nhất là vào dịp tết Nguyên đán vừa qua, giếng nhà nào cũng cạn nên không xin được, đành phải mua rất tốn kém. Tết Ất Mùi, gia đình tôi phải mua 3 xe nước với giá 90 ngàn đồng/xe. Vì thế, chi phí sinh hoạt lại “đội” lên một khoản, đã khó lại chồng khó”.

Tương tự, ngày nào bà Nguyễn Thanh Thủy ở cùng ấp cũng đẩy xe rùa đi 200m để xin từng can nước về ăn. Nhà có giếng đào nhưng mùa khô, nước chạm đáy, vẩn đục, có mùi tanh không thể dùng ăn uống, bà Thủy phải gạn từng xô nước giếng đổ vào thùng để lắng lấy nước tắm giặt.

Hàng trăm hécta đất bỏ hoang

Cánh đồng của ấp không có kênh mương nội đồng nên về mùa khô phải bỏ không, mùa mưa thì ngập lụt. Mấy năm gần đây, các hộ tự móc rạch để dẫn, thoát nước.

Ông Vũ Ngọc Căn, Trưởng ấp 3

Thiếu nước sinh hoạt, người dân có thể đi xin hoặc mua về dùng. Nhưng với cánh đồng lúa trên địa bàn xã Lộc Hưng về mùa khô thì bỏ không, gây lãng phí tài nguyên đất, trong khi quỹ thời gian lao động của nông dân dư khá nhiều. Cả xã có hơn 100 ha đất trồng lúa chỉ canh tác được 1 vụ vào mùa mưa. Số diện tích này nằm rải rác ở 8/9 ấp của xã. Riêng ấp 7 có hệ thống kênh mương dài 2,5km dẫn nước từ kênh Tông Lê Chàm (Trạm thủy nông huyện Lộc Ninh) qua xã Lộc Thái về phục vụ nước tưới cho gần 150 ha lúa. Do vậy, đất trồng lúa ở ấp 7 canh tác được 2-3 vụ/năm nên mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Với 22 ha đất trồng lúa nhưng chỉ canh tác được 1 vụ nên vào mùa khô, người dân ấp 3 “đứng ngồi không yên”. Hộ anh Vũ Văn Đỉnh có 1 ha đất chỉ trồng 1 vụ trong 3 tháng mùa mưa. Anh Đỉnh nói: “Kinh tế gia đình tôi phụ thuộc vào 1 ha lúa. Mỗi vụ tôi thu 5 tấn. Nếu có nguồn nước tưới quanh năm thì có thể làm từ 2-3 vụ lúa, người dân sẽ có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống”.

Hiện ấp còn 9 hộ nghèo, 7 hộ cận nghèo, kinh tế của người dân đa số ở mức trung bình. 80% hộ dân ở đây sống dựa vào sản xuất nông nghiệp nên chỉ canh tác được 1 vụ lúa/năm đã gây trở ngại lớn trong phát triển kinh tế hộ.

Bà Tô Thị Thêu, Phó chủ tịch UBND xã cho biết: Thực trạng thiếu nước về mùa khô ở Lộc Hưng ngày càng gay gắt, làm xáo trộn đời sống sinh hoạt và ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Thiếu nước nhiều nhất là các ấp 1, 2, 3, 5. Từ năm 2013, xã đã có đường ống dẫn đặt hai bên quốc lộ 13, đưa nước sạch ở Lộc Thái về trung tâm xã (thuộc các ấp 2, 3) nhưng đến nay vẫn chưa có nước sử dụng. UBND xã và người dân đang mong chờ. Bởi nguồn nước này sẽ đáp ứng được phần lớn nhu cầu sử dụng của người dân. Vừa qua, UBND xã đã kiến nghị ngành nông nghiệp huyện hỗ trợ xây 4 giếng khoan tập trung phục vụ các cụm dân cư, cán bộ huyện đã xuống khảo sát. Hy vọng đề nghị này sớm được thực hiện để giúp dân “giải hạn” trong mùa khô.

Cánh đồng lúa bị bỏ hoang là vấn đề nan giải mà nhiều năm qua, đảng ủy, chính quyền xã Lộc Hưng vẫn loay hoay tìm cách tháo gỡ. Tuy nhiên, việc đầu tư hệ thống kênh mương nội đồng đòi hỏi nguồn vốn lớn, trong khi xã không có điều kiện thực hiện. Hiện xã đang từng bước chuyển đổi cây trồng cho phù hợp. Trước mắt, các hội, đoàn thể sẽ nhân rộng những mô hình kinh tế phù hợp với đất đai, khí hậu, đồng thời đẩy mạnh tập huấn kỹ thuật nhằm ứng dụng vào thực tiễn để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất.

Hải Châu

  • Từ khóa
38577

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu