Thứ 6, 29/03/2024 09:25:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:36, 26/12/2017 GMT+7

Hạnh phúc của Đảng là được dân dõi theo từng bước đi

Thứ 3, 26/12/2017 | 08:36:00 101 lượt xem

BP - Tối 21-12, khi người dân Đà Nẵng đang bận bịu với công việc của những ngày cuối năm thì lực lượng chức năng thực hiện lệnh khám xét nhà ông Phan Văn Anh Vũ, tức “Vũ Nhôm” - nhân vật được dư luận ở Đà Nẵng ví như một trùm mafia, bởi có quan hệ rộng với một số quan chức cao cấp ở Trung ương và Đà Nẵng. Điều khiến Vũ Nhôm nổi tiếng còn bởi khả năng thao túng thị trường đất đai, biến đất công thành đất thương mại. Việc khám xét nhà và khởi tố bị can đối với Phan Văn Anh Vũ vào những ngày cuối năm một lần nữa cho thấy quyết tâm chống tham nhũng của Đảng ta đang ở cao trào.

So về cả số lượng, tần suất, tính chất và mức độ xử lý, chưa bao giờ công tác xử lý cán bộ sai phạm của Đảng, Nhà nước lại mạnh mẽ như giai đoạn hiện nay. Theo dõi diễn biến của hoạt động phòng, chống tham nhũng thời gian gần đây, đặc biệt qua việc Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật hàng loạt cán bộ cấp cao, trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị cho thấy, những “con cá lớn” trong các đường dây tham nhũng đã sa lưới và bị xử lý đến nơi đến chốn. Điều đó cho thấy, hoàn toàn không có “vùng cấm” trong cuộc chiến chống tham nhũng. Từ những vị đã “hạ cánh” tới lãnh đạo các bộ, ngành, các tổng công ty nhà nước, tới địa phương, hễ có vi phạm đều bị xem xét, xử lý. Việc khởi tố vụ án, bắt giữ bị can các vụ án kinh tế lớn vào tháng cuối cùng của năm 2017 - một năm để lại dấu ấn đậm nét trong công tác chống tham nhũng của Đảng ta với câu nói đi vào lịch sử của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng “Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy” là kết quả của cả một quá trình điều tra, cân nhắc kỹ lưỡng nhưng cũng gây một sự sang chấn tinh thần không nhỏ trong xã hội.

Người dân đã tin tưởng chống tham nhũng là không có “vùng cấm”. Đảng đã thể hiện sự đấu tranh không khoan nhượng đối với các loại tội phạm kinh tế và chức vụ. Tuy nhiên, đó cũng là nỗi đau và tổn thất cho xã hội, bởi những người bị vướng vào lao lý kia từng là lãnh đạo, từng là sự ngưỡng mộ của nhiều người nên khi họ bị bắt thì không ai vui mừng mà tiếc nuối cho họ nhiều hơn. Đây là bài học xót xa về công tác quản lý cán bộ. Nếu không có sự buông lỏng quản lý thì làm sao họ có thể “múa tay trong bị” một thời gian dài và gây ra những hậu quả nghiêm trọng như thế được!

Sự mạnh tay của Đảng đã và đang lan tỏa mạnh mẽ đến cả hệ thống chính trị, đến từng người dân. Đó là tín hiệu rất tích cực, là bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Song để ngăn chặn, hạn chế tham nhũng, điều quan trọng đầu tiên vẫn là chặn từ gốc, tức phải làm tốt công tác cán bộ. Thời gian qua, việc bổ nhiệm cán bộ ở một số địa phương theo kiểu “con ông cháu cha”, “một người làm quan, cả họ cũng làm quan” - cho dù “đúng quy trình”, vẫn gây bức xúc dư luận. Bởi trong số những cán bộ được bổ nhiệm đó, không ít người năng lực hạn chế, thiếu kinh nghiệm, bản thân không chịu tu dưỡng, rèn luyện, lại sớm có những biểu hiện suy thoái, vi phạm phẩm chất, đạo đức của cán bộ, đảng viên.

Nhân dân đang rất quan tâm và dõi theo những hành động cụ thể mà Đảng đang chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, nhất là việc xử lý cán bộ, lãnh đạo cao cấp có sai phạm nghiêm trọng. Với một đảng cầm quyền, hạnh phúc lớn nhất là luôn được người dân quan tâm dõi theo từng bước đi, từng hành động. Bởi nếu người dân thờ ơ, vô cảm trước thời cuộc thì sẽ là một bi kịch cho Đảng, cho đất nước! 

Nguyên  Thủy

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu