Thứ 6, 29/03/2024 20:08:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 11:17, 11/02/2016 GMT+7

Hạnh phúc của một người cha S’tiêng

Thứ 5, 11/02/2016 | 11:17:00 175 lượt xem

BP - Đã 11 giờ trưa, trong ngôi nhà bên triền dốc, không khí gia đình thêm ấm áp khi các con đều về ăn bữa cơm cuối năm. Chỉ trong năm 2015, tin vui dồn dập đến với ông khi hai người con trai đều lập gia đình. Mọi thứ trong nhà lâu nay thiếu bàn tay phụ nữ, nay trở nên ấm áp lạ thường. Mùi thơm nức của các món ăn truyền thống lan tỏa từ gian bếp như muốn níu chân khách. Những người cùng đi với chúng tôi không nén được cảm xúc khi biết rằng: Quả ngọt ngày nay được bồi dưỡng bằng nước mắt và tình yêu của một gia đình người S’tiêng ở vùng đất Hớn Quản.

TÌNH YÊU TỪ NHỮNG ĐIỀU BÌNH DỊ

63 mùa xuân đã đi qua nhưng ông Điểu Vưa vẫn rất khỏe khoắn, linh hoạt. Đôi vai vững chãi của người cha đã không quản nhọc nhằn, gian khó, đưa các con trưởng thành và theo đuổi ước mơ. Đó là điều không phải người S’tiêng nào cũng làm được.

Xoa xoa ly trà nóng, ông chưa vội kể về những đứa con của mình. Câu chuyện của ông được bắt đầu với nỗi nhớ về người vợ đã qua đời: “Ngày trước tôi khỏe lắm. Nương rẫy tôi làm phần nhiều, để bà ấy buôn bán và cơm nước cho tụi nhỏ. Sống với nhau mấy chục năm, có lúc bị đói, khát bao vây nhưng đều vượt qua. Đến lúc các con lớn, có chút dư dả thì bà lại bỏ tôi. Bà ấy bị tai biến và mất sớm. 2 năm rồi nhưng tôi vẫn nhớ vợ lắm! Nhớ những tháng ngày cùng cực nhưng luôn đầy ắp tiếng cười”.

Ông Điểu Vưa với nụ cười mãn nguyện bên con trai đầu Điểu Bưa, đang công tác ở Đồn biên phòng cửa khẩu Tà Vát

Là người con của xã An Khương, huyện Bình Long cũ (nay là ấp Đông Hồ, xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản), như nhiều trai làng khác, 18 tuổi, ông tham gia du kích ở xã. Ông cùng với anh em, hàng xóm đi khai phá đất đai, tìm nguồn cây để hỗ trợ kinh tế. Ông gặp bà Nguyễn Thị Lài - một phụ nữ gốc Huế, lúc này làm nghề buôn mắm, gạo gần nơi ông tham gia du kích. Dù bà Lài đã có một con gái riêng nhưng nét duyên dáng, sự thấu hiểu và hơn hết là sự cảm thông, chia sẻ đã giúp họ nên duyên vợ chồng vào năm 1983. Gặp nhiều phản đối từ hai gia đình nhưng họ vẫn quyết tâm nhau và chí thú làm ăn. Cả hai đều nghĩ rằng: Chỉ có lo làm ăn, nuôi dưỡng con cái thật tốt thì mới được mọi người hiểu và chấp nhận cho mối nhân duyên này!

Hằng ngày, ông Vưa đi làm rẫy, còn bà Lài buôn thúng, bán bưng. Khó khăn, vất vả ngày càng tăng khi những người con lần lượt ra đời. Bữa ăn khi ấy là củ sắn, củ mì nhiều hơn cơm nhưng tiếng cười, tiếng nói lúc nào cũng rôm rả trong nhà. Và bù đắp cho những nhọc nhằn của ông bà, ngay từ nhỏ các con đã rất ngoan và có ý chí tự lập tốt. Sau khi học xong tiểu học, các con của ông lại khăn gói xa cha mẹ đi học ở Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh (Đồng Xoài). Riêng các con sau này học tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú thị xã Bình Long.

TRỞ VỀ ĐỂ CỐNG HIẾN CHO QUÊ HƯƠNG

Điều đặc biệt ở gia đình người S’tiêng này là các con sau khi tốt nghiệp đại học đều trở về làm việc trên quê hương Bình Phước. Đó là công việc mà từ nhỏ các con của ông đã từng mơ ước. Trần Thị Bích Thủy (1983), hiện là cán bộ thư viện Trường THCS Thanh Lương (Hớn Quản). Trung úy Điểu Bưa (1986), là Đội trưởng Đội vũ trang Đồn biên phòng cửa khẩu Tà Vát. Điểu Thành (1988) là cán bộ thống kê UBND xã Tân Hưng (Hớn Quản). Điểu Vũ (1990) đang công tác ở Công an huyện Hớn Quản. Con gái út Thị Bích Nhi (1994), đang học ngành quản lý rừng tại Trường đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh. Tất cả con ông đều chung ý nghĩ: Dù còn khó khăn nhưng không nơi nào bằng quê hương của mình.

Say mê lao động là niềm vui tuổi già của ông Điểu Vưa

Ông bà có 6 người con, trong đó, 5 người đều theo học và tốt nghiệp những trường đại học công lập. Riêng Điểu Phú (1992), sau khi bị tai nạn không thể đến trường. Hằng ngày, Phú ở nhà cạo mủ và phụ việc vườn, rẫy giúp cha.

“Ngày xưa gia đình tôi có nhiều đất nhưng bán rẻ cho anh em trong nhà. Một phần lấy tiền trang trải việc học cho con, phần tạo điều kiện giúp anh em làm kinh tế để con cháu trong dòng họ đều được đến trường. Nay các con đã ra trường và đi làm, tôi thấy mừng cái thân. Chỉ tội cho bà ấy, không cùng tôi hưởng tuổi già với con cháu”. Đó là chia sẻ rất chân tình của ông Điểu Vưa (1952) - người cha hạnh phúc khi có 5 con đều tốt nghiệp các trường đại học nổi tiếng. Và hơn hết, các con của ông đều trở về Bình Phước phát huy tài năng, tuổi trẻ, góp phần xây dựng quê hương.

Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Học viện Biên phòng, Học viện Hành chính quốc gia, đại học An ninh Nhân dân hay đại học Nông lâm là những ngôi trường được các con của ông lựa chọn và theo đuổi ước mơ. Không trông chờ và ỷ lại vào chế độ phụ cấp của Nhà nước, các con của ông đều tự làm thêm để theo học hệ chính quy tại các trường. Duy nhất chỉ có anh Điểu Bưa đã bỏ ngang đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2006 để theo học hệ cử tuyển tại Học viện Biên phòng vì gia đình gặp khó khăn. Tự học, tự vượt qua khó khăn để đến trường là điều đặc biệt khiến nhiều người ấn tượng về gia đình người S’tiêng này.

Ông Điểu Vưa chia sẻ: “Nhà nghèo, đi làm kiếm cái ăn, lo cho chúng no cái bụng là vui rồi. Vậy mà đứa nào cũng học giỏi, biết tự lập, theo đuổi ước mơ và có việc làm ổn định. Đó là tài sản lớn nhất của tôi”.

Làm việc tại tỉnh, các con ông không ngừng cố gắng và đạt nhiều thành tích cao. Là anh cả nên Trung úy Điểu Bưa luôn là tấm gương sáng cho các em noi theo. Ba năm công tác ở Đồn biên phòng Cửa khẩu Tà Vát, anh được cấp trên tin tưởng, đồng đội mến yêu. Từ năm 2012 đến nay, anh luôn hoàn thành nhiệm vụ và đạt danh hiệu chiến sĩ tiên tiến. Với Điểu Thành, không chỉ hoàn thành nhiệm vụ công tác tại UBND xã Tân Hưng, anh còn được UBND huyện Hớn Quản tặng giấy khen gương thanh niên sản xuất - kinh doanh giỏi năm 2015.

Khi bà Lài không còn chung bước với ông tận hưởng những trái ngọt từ các con mang lại, ông tham gia công tác xã hội, trồng tiêu, nuôi cá, tạo niềm vui, hạnh phúc tuổi già. Với 2 ha đất, ông xây dựng mô hình vườn - ao - chuồng trồng cao su, cà phê, tiêu, thả cá, bò, dê. Là Chi hội trưởng Chi hội nông dân ấp, từ nguồn quỹ của chi hội, ông nhận nuôi 2 con bò. Khi bò đẻ, ông lại cho hội viên khác bốc thăm để chia bò cùng nhau làm kinh tế.

Một mùa xuân nữa lại về, mang thêm nhiều hy vọng, thành công mới cho các thành viên gia đình ông Điểu Vưa. Tấm gương về sự tần tảo, chịu khó nuôi dạy con cái của vợ chồng ông Điểu Vưa cùng ý chí quyết tâm học giỏi của các con ông thật đáng khâm phục. Đây cũng là tấm gương sáng cho phong trào khuyến học, khuyến tài để không chỉ đồng bào Kinh mà người đồng bào dân tộc thiểu số cùng noi theo.

Thanh Nga

  • Từ khóa
53469

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu