Thứ 7, 20/04/2024 17:59:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 10:20, 21/12/2018 GMT+7

Hạnh phúc từ lời nói dối!

Thứ 6, 21/12/2018 | 10:20:00 188 lượt xem
BP - Hằng năm, cứ đến ngày 6-1 (ngày tỉnh Phước Long được giải phóng 6-1-1975) và các ngày lễ kỷ niệm 30-4, 27-7, 2-9, 22-12, bà nội đều nhắc con cháu làm lễ cúng 2 liệt sĩ.

Cô tôi bỏ sách vở thoát ly gia đình tham gia cách mạng năm 16 tuổi, được giao đánh máy chữ cho cơ quan cấp ủy trong rừng Phước Long. Một hôm, cô cùng đồng đội ra nơi dân vùng ven để xin gạo, thực phẩm cho đơn vị. Gặp máy bay trực thăng của Mỹ đổ bộ quân càn quét vào căn cứ của cơ quan, đơn vị ta, cô và đồng đội mỗi người một súng AK chiến đấu phá vòng vây Mỹ - ngụy. Sau đó, cô được phong danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ; được đi dự báo công toàn miền Nam. Và từ đó cô ra đơn vị chiến đấu.

Năm 1970 là thời điểm kỵ binh bay Mỹ dùng trực thăng đổ quân càn quét gắt gao vùng rừng núi có quân giải phóng đóng chân vòng quanh tỉnh lỵ Phước Long. Quân giải phóng thiệt hại lớn, một số cơ quan dân chính của tỉnh Phước Long phải đến sát biên giới Campuchia đóng quân nhưng các đơn vị vũ trang luôn bám giữ trận địa vùng ven tỉnh lỵ Phước Long.

Một đêm đầu mùa mưa, đơn vị cô vào ấp chiến lược đánh đồn bót địch. Trên đường rút quân, đơn vị bị địch tập kích, nhiều người đã hy sinh, trong đó có cô tôi.

Cô hy sinh năm 1971 khi mới 19 tuổi, là Đại đội phó nữ bộ binh của cấp K (huyện). Đó là K11 đóng quân dưới chân núi Bà Rá (nay thuộc phường Thác Mơ và xã Phước Tín, thị xã Phước Long). Đơn vị của cô có ký hiệu C3, một đại đội chỉ sống sót 13 người và 1 chính trị viên (là chú Nguyễn Minh Phụng, nguyên Phó bí thư, Chủ tịch UBND huyện Phước Long).

Từ sau năm 1975 đến nay, gia đình và cơ quan đã tìm kiếm nhiều lần nhưng không tìm được hài cốt của cô. Ngôi mộ trong Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Phước Long có bia ghi tên liệt sĩ Trần Thị Hồng Điệp nhưng chỉ là mộ gió.

Nhưng từ năm 1975, gia đình nói với bà nội là đã đưa hài cốt cô về chôn cất tại đây. Khi bà nội còn sống, mỗi lần ra nghĩa trang liệt sĩ thắp hương, bà ngồi lâu và rì rầm nói chuyện với cô. Trên bàn thờ 2 liệt sĩ luôn ấm cúng (ông nội là liệt sĩ chống Mỹ hy sinh năm 1957, lúc ấy bà nội mới 32 tuổi nuôi 4 người con nhỏ và không tái giá). Ba tôi là Trần Quốc Thông - tham gia cách mạng năm 1965, công tác tại Ban an ninh tỉnh Bình Phước. Năm 1970, ba tôi bị địch tập kích bị thương nặng. Sau năm 1975, ba vẫn công tác tại Công an huyện Phước Long (nay là thị xã Phước Long). Đến năm 1995, do vết thương tái phát nên ba cũng theo ông nội về với tổ tiên.

Bà nội sống thanh thản với danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cùng với lời nói dối rằng hài cốt của cô tôi đã được nằm trong nghĩa trang liệt sĩ. Đến khi về dưới lòng đất với ông nội, bác, cô tôi, bà vẫn tin lời nói dối ấy là sự thật.

Vâng, với tôi cùng những người đồng thế hệ, đó là điều vô cùng hạnh phúc.                       

Trần Đức Minh

  • Từ khóa
93823

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu