Thứ 5, 25/04/2024 20:58:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:19, 29/09/2016 GMT+7

Hành vi đáng lên án, xử lý nghiêm

Chính Trực
Thứ 5, 29/09/2016 | 08:19:00 111 lượt xem

BP - Những ngày gần đây, dư luận hết sức bất bình khi liên tiếp xảy ra hai vụ hành hung, cản trở phóng viên các cơ quan báo chí trong lúc tác nghiệp. Vụ việc thứ nhất xảy ra ngày 23-9, phóng viên Trần Quang Thế, Báo Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh được lãnh đạo Văn phòng đại diện tại Hà Nội cử đến tác nghiệp, đưa tin về vụ án mạng tại khu vực cầu Nhật Tân. Tuy nhiên, khi đến nơi, phóng viên này đã bị lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ ở đây hành hung gây thương tích. Những người đã có hành vi đáng lên án lại chính là những Cảnh sát hình sự Công an huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, đại diện lãnh đạo Công an huyện Đông Anh đã đến làm việc với lãnh đạo Văn phòng đại diện Báo Tuổi trẻ tại Hà Nội và chính thức lên tiếng xin lỗi phóng viên Trần Quang Thế.

Trước đó ngày 21-9, tại xã Cư Kpô, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk, khi phóng viên Đỗ Thanh Hải, Báo điện tử VTC News đến đưa tin về vụ việc cơ quan chức năng cưỡng chế lấy mặt bằng để xây dựng nhà văn hóa thôn Nam Tân cũng bị lực lượng làm nhiệm vụ ở đây hành hung, xô đẩy, giật máy ảnh.

Những hình ảnh cảnh sát hình sự thuộc Công an huyện Đông Anh mặc thường phục xua đuổi, “tung cước” với phóng viên Trần Quang Thế trước sự chứng kiến của hàng trăm đôi mắt người dân và cảnh hàng chục người mặc sắc phục lực lượng công an với đầy đủ công cụ hỗ trợ bao vây, kẹp nách phóng viên Đỗ Thanh Hải buộc rời khỏi hiện trường khiến người đọc, người xem cảm thấy hai phóng viên này bị công an “đối xử” như những kẻ phạm pháp!?

Thực tế đang xảy ra tình trạng không ít địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cố tình “làm khó” nhà báo, phóng viên. Thậm chí, nhiều nhà báo, phóng viên còn bị xúc phạm danh dự, đe dọa, hành hung, hủy hoại tài sản... Đầu tháng 12-2014, Công an huyện Bù Đốp đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Nguyễn Xuân Thắng (43 tuổi, quê quán Nghệ An) nhân viên y tế học đường Trường tiểu học Thiện Hưng A (Bù Đốp) về hành vi hủy hoại tài sản (đập vỡ điện thoại di động) của anh Bùi Hồng Điệp, phóng viên Báo Tuổi trẻ và Đời sống khi đến tìm hiểu thông tin tiêu cực xảy ra tại Trường tiểu học Thiện Hưng A do bà Nguyễn Thị Hồng Bốn (là vợ của Nguyễn Xuân Thắng) làm hiệu trưởng.

Luật Báo chí quy định nhà báo có quyền hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp; không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật. Đáng buồn hơn khi chính những người được giao nhiệm vụ thực thi pháp luật lại... vi phạm pháp luật một cách thô bạo với lực lượng báo chí. Đành rằng, có một số vụ việc khi cơ quan chức năng đang điều tra thì có thể hạn chế phóng viên tác nghiệp. Trong hoàn cảnh đó, lực lượng công an cần phong tỏa hiện trường, giải thích lý do hạn chế báo chí quay phim, chụp ảnh... chứ không thể áp dụng những “biện pháp nghiệp vụ” không đáng có như những vụ việc nói trên.

Tạo điều kiện thuận lợi, đồng thời phối hợp, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho nhà báo, phóng viên là thể hiện trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Bởi vì báo chí là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội... đồng thời là diễn đàn của nhân dân. Dư luận thường đặt câu hỏi, phải có khuất tất, mờ ám gì thì mới tránh mặt, “né” báo chí; sợ “vạch áo cho người xem lưng”? Vì vậy, những hành vi vi phạm Luật Báo chí đáng bị lên án và cần xử lý nghiêm.

  • Từ khóa
108493

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu