Thứ 7, 20/04/2024 16:52:29 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 15:34, 02/08/2018 GMT+7

Hậu họa ngàn thu

Thứ 5, 02/08/2018 | 15:34:00 275 lượt xem

BP - Việc gian díu trai gái, “mèo mả gà đồng” đời nào cũng có. Nhưng ở chế độ phong kiến, thời mà nam giới bị quy định trong giáo lý “tam cương, ngũ thường”, nữ giới bị bó buộc bởi “tam tòng, tứ đức”, thì những sự vụ ngoại tình, thông dâm chắc chắn là việc động trời mà pháp luật không thể bỏ qua. Sau đây xin cùng bạn đọc tìm hiểu luật nhà Lê sơ xử những tội ấy như thế nào?

Theo sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, vào năm Đinh Hợi (1467) thời vua Lê Thánh Tông chẳng biết có phải là năm của con giáp đầy “phồn thực” hay chăng mà lại một sự vụ nữa diễn ra. Theo như tờ tâu của Hàn lâm viện trực học sĩ quyền Công khoa cấp sự trung Lương Thế Vinh lên vua Lê Thánh Tông để hặc tội đối với Trấn điện tướng quân Bùi Huấn cho hay:

Minh họa: S.H

Luân thường lớn của con người có năm điều trong đó. Nay Huấn đương lúc còn tang vợ mà đi lấy con gái của người về hàng bạn hữu, hơn nữa trước đây đã lấy con gái của người ấy làm vợ cả rồi. Tệ bạc trong ân ái vợ chồng, khinh miệt đạo cương thường đến thế. Việc này quan hệ tới phong hóa, làm rối loạn nhân luân, xin giao cho pháp ty trị tội. Xét thấy lời tâu của Lương Thế Vinh đúng sự thật, vua Thánh Tông ra lệnh y theo luật mà xử viên quan võ Bùi Huấn. Tiếc rằng chính sử không cho hay hình thức xử lý cụ thể như thế nào.

Cũng theo sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, vào tháng 11 năm Mậu Tý (1468), có tên nội thần Phan Tông Trinh là kẻ hầu cận trong cung, nhưng lại cùng bọn đồng cấp là Nguyễn Thư, Chu Đức Đại, Dương Minh Phong, Ngô Át quen thói ăn hối lộ, tội đáng phải xử tử. Tuy nhiên, trừ Phan Tông Trinh, còn lại bọn Nguyễn Thư đều được vua Thánh Tông lệnh cho tha vì “còn mong một ngày kia chúng sửa lỗi, để phòng có khi sai khiến đến”.

Sở dĩ hoạn quan giả như Phan Tông Trinh vẫn bị y án tội chết, bởi theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Trinh dù là con nuôi của nội quan Hiền, nhưng khi “Hiền chết, xác còn nóng hôi hổi thì Trinh đã thông dâm với vợ Hiền, cướp lấy làm vợ lẽ của mình; năm trước nó lại thông dâm với cung nữ là Nguyễn Mai”. Chính từ việc trái với nhân luân, thêm tội tư túi nên “cả hai tội đều nặng, giết là đáng rồi”.

Khi tra trong sách “Hồng Đức thiện chính thư”, xét tội của Phan Tông Trinh thì thấy ứng với Điều 9: Con nuôi và con thừa tự thông dâm với mẹ nuôi, hoặc người làm thuê thông dâm với gia chủ thì xử tội chém. Bởi Tông Trinh là con nuôi hoạn quan Hiền, suy ra hắn ắt là con nuôi của vợ Hiền. Việc con nuôi thông dâm với mẹ nuôi rõ ràng trái luân thường nên mới ứng tội như vậy. Còn trong “Thiên Nam dư hạ tập” có lệnh cấm đàn bà phản bội chồng, đàn ông gian dâm với vợ người khác và đã quy định: Phản bội chồng trốn cha mẹ mà cải giá thì cha mẹ bị phạt đánh 80 trượng, người đàn bà đó bị sung làm thung thất phụ.

Tội ấy cũng ứng với Điều 34 trong “Quốc triều hình luật” có nội dung tương tự: Có tang ông bà, cha mẹ và chồng, mà cố ý giấu không cử tang thì phải tội đồ làm khao đinh, đàn bà đồ làm tang thất phụ. Trong khi ấy, Tông Trinh tiếng là con, vợ nội quan Hiền tiếng là vợ, hai kẻ ấy khi cha - chồng chết mà không đoái hoài, lại thông dâm với nhau, tội càng nặng thêm. Đồng thời, Tông Trinh lại lấy mẹ nuôi làm vợ lẽ của mình, tội thêm tội, thế nên hắn mới “mua vui phút chốc” mà để lại hậu họa ngàn thu, đầu lìa khỏi cổ nơi pháp trường định tội, âu cũng là cái kết cho kẻ làm trái nhân luân.

Đó là những vụ án điểm về ngoại tình, thông dâm được chính sử ghi nhận lại. Còn trong nhân gian chắc hẳn cũng có không ít vụ việc tương tự. Cũng qua đây chúng ta thấy pháp luật nhà Lê sơ rất nghiêm ngặt và cứng rắn với loại tội này, hòng mong xã hội xây dựng trên nền tảng Nho giáo được bền vững, giữ được đạo lý làm người mà đấng nam nhi hay phận bồ liễu đều phải nhất nhất tuân theo.

Lời bàn:

Chế độ phong kiến xưa quan niệm rằng, “đàn ông được quyền có 5 thê 7 thiếp”. Đó là quyền tự do của họ vì họ bản lĩnh, họ là trụ cột gia đình, họ có tài, có địa vị xã hội và trên hết là họ được xã hội tôn trọng hơn phụ nữ. Thậm chí thời ấy, người nào phạm tội ngoại tình thì tùy vào việc người đó là nam hay nữ mà có hình thức xử phạt khác nhau. Và nếu phụ nữ ngoại tình sẽ bị phạt nặng hơn so với cánh mày râu và có nhiều hình phạt dành cho phụ nữ, còn phía đàn ông thì chỉ duy nhất là hình phạt cung hình. Có lẽ vì thế chuyện “ông ăn chả, bà ăn nem” ngày xưa ít xảy ra. Hơn nữa, phụ nữ ngày xưa còn bị trói buộc bởi lễ giáo phong kiến “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”.

Ngày nay, tư tưởng trọng nam khinh nữ đã không còn “tác dụng”. Có lẽ vì thế không ít phụ nữ thành đạt, có sự nghiệp ổn định nhưng không tìm thấy “tiếng nói chung” với người bạn đời của mình, song vì lý do gia đình mà họ không thể thực hiện thủ tục ly hôn và họ tự cho mình quyền được khám phá, tìm hiểu nhiều người đàn ông khác tốt hơn ở bên ngoài. Bởi vậy cho nên chuyện “ông ăn chả, bà ăn nem” thời nay xảy ra như “cơm bữa”. Và đây là nguyên nhân chính dẫn đến nhà nghỉ mọc lên như nấm sau mưa ở mọi nơi.

ND

  • Từ khóa
110072

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu