Thứ 6, 26/04/2024 14:17:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 14:26, 10/03/2016 GMT+7

Hãy đặt mình là một nhà nông

Thứ 5, 10/03/2016 | 14:26:00 102 lượt xem

BP - Vì thiếu nước tưới, tháng 10-2015, ông Trần Văn Hùng ở ấp Bù Xăng, xã Lộc Quang (Lộc Ninh) xây một trạm bơm cá nhân nhỏ tại hành lang bảo vệ hồ thủy lợi Lộc Quang. Trước khi xây, ông Hùng đến xin phép nhân viên bảo vệ hồ. Do không có thẩm quyền nên nhân viên bảo vệ nói để xin ý kiến cấp trên. Cấp trên của bảo vệ hồ “đồng ý bằng miệng” cho ông Hùng xây với điều kiện cam kết nếu sau này nâng cấp, tu sửa hồ thì phải tự tháo dỡ và ông Hùng đã làm đầy đủ những cam kết đó.

Một tháng sau, lãnh đạo Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước phát hiện công trình xây dựng của ông Hùng là vi phạm hành lang bảo vệ hồ nên yêu cầu tự dỡ bỏ. Cuối cùng, “căn chòi” với diện tích 2,35 x 2,4m, cao 3m, tường gạch, mái lợp tôn để đặt máy bơm bên trong của ông Hùng bị đập bỏ (Báo Bình Phước ngày 4-3-2016). Công trình của ông Hùng vi phạm hành lang bảo vệ hồ phải dỡ bỏ theo quy định là hoàn toàn đúng. Thế nhưng, cách giải quyết vụ việc cho thấy nhiều vấn đề trong đó.

Sau khi phát hiện công trình của ông Hùng vi phạm hành lang bảo vệ, ngày 15-11-2015, Trạm Thủy nông Lộc Ninh vào kiểm tra, yêu cầu gia đình tự tháo dỡ, nhưng ông Hùng không có ở nhà. Ngay lập tức, 15 giờ cùng ngày, các cán bộ thủy nông cùng nhân viên bảo vệ hồ thủy lợi Lộc Quang đã đập bỏ công trình và tháo dỡ máy bơm của ông Hùng.

Thứ nhất, “xử tử” công trình khi vắng mặt ông Hùng là “nguồn cơn” dẫn tới việc đã 4 tháng trôi qua hai bên vẫn chưa giải quyết được vụ việc. Bởi một bên cho rằng khi đập bỏ công trình, ở trong không có gì giá trị, còn một bên cho rằng có nhiều vật dụng, thiết bị phục vụ cho máy bơm có giá trị (khoảng 48 triệu đồng). Đây là hậu quả của việc giải quyết vấn đề không đúng nguyên tắc, quy định của pháp luật. Thứ hai, công trình của ông Hùng không phải là “hạt cát”, nó hiện hữu ngay trước mắt bảo vệ hồ, đã tồn tại được cả tháng trời. Và ông Hùng không phải nửa đêm đem gạch, máy bơm ra xây dựng, lắp đặt trộm, mà đã xin phép tử tế, làm giấy cam kết sẽ tự dỡ bỏ nếu hồ được nâng cấp, tu sửa. Vì thế, có nhất thiết phải đập bỏ ngay tức thì công trình như vậy? Phải chăng nếu để nó tồn tại thêm một ngày có thể gây ra hậu quả mất an toàn cho hồ chứa nước này?

Lộc Ninh, Bù Đốp, Bình Long và nhiều khu vực khác trên địa bàn tỉnh đang trong “cơn khát” cả nước tưới và nước sinh hoạt. Không có nước, hàng ngàn hộ dân sẽ “khô” theo hàng ngàn héc ta vườn của mình. Khi hơn 2.000 nọc tiêu đứng trước nguy cơ xóa xổ trong mùa khô nếu không có nước, có lẽ ông Hùng cũng như bất kỳ nông dân nào cũng sẽ tìm mọi cách để đem nước về vườn. Vì thế, không khó hiểu khi ông Hùng đầu tư máy móc, thiết bị để bơm nước từ hồ về nhà với đoạn đường dài khoảng 500m.

Nếu ông Hùng dời cái “chòi chống trộm” ra xa hơn vài chục mét thì đã không vi phạm hành lang bảo vệ hồ và không rơi vào cảnh vừa phải chống chọi với khô hạn vừa lo giải quyết vụ việc với các cơ quan quản lý nhà nước như hôm nay. Còn cán bộ thủy nông, có lẽ nếu đặt mình vào người nông dân đang trong cơn bấn loạn vì thiếu nước, chắc không “ra tay” nhanh đến thế, để rồi tự mình “mua việc vào thân” và kéo cả người dân vào vòng luẩn quẩn.

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu