Thứ 6, 19/04/2024 16:46:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 15:48, 21/03/2017 GMT+7

Hãy trở thành người hạnh phúc!

Thứ 3, 21/03/2017 | 15:48:00 105 lượt xem
BP - Đúng một tháng nữa là tới Ngày sách Việt Nam 21-4. Hiện các ngành chức năng đang phát đi những thông tin mang tính định hướng để phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, từng bước nâng cao đời sống tinh thần cho mỗi người dân, xây dựng xã hội học tập.

Ngày 24-2-2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg, lấy ngày 21-4 hằng năm là Ngày sách Việt Nam. Nhìn chung, qua 3 năm thực hiện, hoạt động của Ngày sách Việt Nam đã được các địa phương tổ chức với hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp thực tế của mỗi vùng, miền. Ngày sách đã trở thành nét đẹp văn hóa được cộng đồng đón nhận, tham gia. Ngoài việc lồng ghép tuyên truyền với Ngày bản quyền thế giới (23-4), Ngày sách Việt Nam năm 2017 còn đưa ra khẩu hiệu: “Sách và sự phát triển tri thức cộng đồng”.

Tại Bình Phước, không chỉ có Ngày sách Việt Nam, dịp hè năm 2016, các huyện, thị đoàn đã phối hợp với Thư viện tỉnh tổ chức chương trình “Xe thư viện lưu động” phục vụ thanh thiếu nhi ở địa bàn vùng sâu, xa, dân tộc thiểu số, biên giới. Các chuyến xe thư viện lưu động đã mang hành trang tri thức gồm sách, báo, máy vi tính kết nối internet, tivi... và thực sự phát huy hiệu quả. Qua các chuyến từ thiện xã hội, có đơn vị, nhà hảo tâm đã khéo léo lồng ghép trong những suất quà là cuốn sách, tập truyện hay mang tính xã hội sâu sắc, nhất là kỹ năng sống, gương vươn lên làm giàu hoặc kỹ thuật trồng, chăm sóc tiêu, điều... tặng người nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội. Đó cũng là cách làm hay để mang nguồn tri thức đến người dân.

Có thể nói, tại các trung tâm, thị xã, thị trấn, việc đến nhà sách, siêu thị, thư viện đọc sách, báo, truy cập internet là chuyện quá đỗi bình thường. Đáng mừng là những năm gần đây, do nhận thức và điều kiện kinh tế được nâng cao nên các bậc cha mẹ đã quan tâm hơn đến việc học, nơi vui chơi, giải trí, trong đó có đọc sách cho con trẻ và chính bản thân. Nhiều cửa hàng, siêu thị, nơi vui chơi cũng mở ra điểm đọc sách phục vụ nhu cầu ngày càng cao của độc giả. Tuy nhiên, ở địa bàn vùng sâu, xa, dân tộc thiểu số, biên giới được đọc sách, báo, giao lưu với các tác giả quả là quá xa vời. Các tủ sách pháp luật dù đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa phát huy tác dụng, còn mang tính hình thức. Tại Bình Phước còn ít đơn vị, địa bàn xây dựng được tủ sách chuyên đề hoặc phát động phong trào xây dựng tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ... Đặc biệt, trong thời buổi công nghệ thông tin, sách, báo in đang đứng trước những thách thức, đối tượng đọc dần bó hẹp tại các khu vực thành thị, nhưng lại thật xa với những vùng điều kiện kinh tế, dân trí còn nhiều khó khăn. Vì vậy, để không chỉ nâng cao văn hóa đọc của người dân trong Ngày sách Việt Nam mà tất cả ngày khác trong năm, người viết cho rằng cần xây dựng cơ chế, chính sách chiến lược mang tầm quốc gia. Trong đó, đặc biệt hướng đến đối tượng đọc ở vùng sâu, xa, dân tộc thiểu số, biên giới...; tạo thói quen đọc sách, báo tại mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị và đọc phải có chọn lọc, để “Sách vở biến chúng ta thành con người hạnh phúc” như Maksim Gorky từng nói.

Hoàng Ngọc

 

  • Từ khóa
108602

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu