Thứ 6, 19/04/2024 17:34:25 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 11:55, 29/07/2017 GMT+7

Hệ lụy từ việc làm tăng ca, thêm giờ

Thứ 7, 29/07/2017 | 11:55:00 855 lượt xem

BP - Vừa qua, Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp UBMTTQVN tỉnh cùng một số sở, ban, ngành đã có những đợt làm việc với các doanh nghiệp nhằm tổ chức giám sát và phản biện xã hội về thực hiện pháp luật lao động. Đây là việc làm rất quan trọng với mục đích kiểm tra, xem xét việc triển khai, thực hiện Luật An toàn vệ sinh lao động; giám sát về thỏa ước lao động tập thể; việc thực hiện quy chế đối thoại tại nơi làm việc; thực hiện các loại bảo hiểm và thời gian làm việc, nghỉ ngơi của công nhân... tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra thực tế, đoàn đã yêu cầu một số công ty chấm dứt ngay việc cho công nhân làm thêm giờ vượt quá mức quy định và yêu cầu phải thực hiện đúng theo Bộ luật Lao động.

Theo số liệu khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam công bố mới đây, hiện cả nước có gần 300 khu công nghiệp và khu chế xuất, thu hút hơn 2,8 triệu lao động. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp luôn đặt nặng mục tiêu thu lợi nhuận, hoàn vốn trong thời gian nhanh nhất nên không thực hiện đầy đủ chính sách, chế độ với người lao động. Một trong những bức xúc của công nhân hiện nay là tình trạng làm thêm giờ, tăng ca quá nhiều, trong đó có doanh nghiệp bắt người lao động làm thêm giờ nhưng không thỏa thuận trước. Nếu công nhân không đi làm thêm giờ thì sẽ bị trừ vào các khoản tiền chuyên cần, tiền thưởng. Còn nếu đi làm tăng ca, thêm giờ thì công nhân chẳng có thời gian để chăm lo đến đời sống tinh thần của mình; thậm chí là không còn thời gian giao lưu, kết bạn, yêu đương... Khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, có tới 75,5% lao động phải làm thêm giờ để tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống. Lao động vất vả nhưng công nhân hiện còn phải đối mặt với tình trạng bị cho nghỉ việc khi còn rất trẻ. Theo các chuyên gia lao động, thời gian qua tình trạng công nhân ở độ tuổi 35-40 bị doanh nghiệp sa thải nhằm tránh việc trả lương cao và tránh đóng các khoản phí bảo hiểm đang diễn ra rất phức tạp. Bộ luật Lao động quy định, số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày, không quá 30 giờ/tháng và tổng số không quá 200 giờ/năm; trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định được làm thêm không quá 300 giờ/năm. Quy định trên khá chi tiết, rõ ràng và khống chế thời gian làm thêm giờ, nhưng thực tế tình trạng làm thêm vượt quá số giờ quy định vẫn còn diễn ra khá phổ biến tại các doanh nghiệp, nhất là khi có đơn hàng mang tính thời vụ cần giao gấp.

Thời gian qua, các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều lý do để kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước tăng thời gian làm thêm giờ, bản thân một số người lao động cũng muốn làm nhiều giờ để tăng thu nhập. Tuy vậy theo các chuyên gia y tế, nếu thời gian làm thêm giờ tăng lên thì đồng nghĩa với chất lượng cuộc sống, sức khỏe của người lao động không bảo đảm. Việc quy định và hạn chế giờ làm thêm, ngoài căn cứ vào xu hướng chung của quốc tế và các nước trong khu vực thì thể chất của người Việt Nam cũng không đủ đáp ứng để tăng số giờ làm thêm quá nhiều. Tình trạng làm việc tăng ca, thêm giờ sẽ khiến nhiều người không chịu đựng nổi, dẫn đến suy kiệt sức khỏe và nguy cơ tai nạn lao động rình rập... Trong khi đó, người lao động còn có các nhu cầu giải trí, chăm sóc gia đình... để cân bằng cuộc sống và tái tạo sức lao động. Vì vậy, các doanh nghiệp cần phải chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về lao động.

Thanh Hà

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu