Thứ 3, 23/04/2024 19:07:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 10:33, 24/10/2014 GMT+7

Hẹn nhau ở bệnh viện ung bướu!

Thứ 6, 24/10/2014 | 10:33:00 156 lượt xem

BP - Ngày 16, 17-10, Bộ Y tế phối hợp Hội Ung thư Việt Nam tổ chức hội thảo quốc gia phòng chống ung thư lần thứ 17. Thông tin từ hội thảo cho biết, mỗi năm nước ta có từ 130.000 đến 160.000 người mắc bệnh ung thư. Vậy là mỗi năm, số người mắc căn bệnh “chết chắc” này tương đương số dân một thành phố nhỏ (năm 2013, số dân của thị xã Đồng Xoài chỉ trên 93.000 người). So như thế để thấy mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của căn bệnh chết người này. Thế nhưng hàng ngày, hàng giờ, người dân Việt Nam vẫn đang đầu độc nhau và bị người khác đầu độc mà không biết. Hoặc biết nhưng chẳng còn cách nào khác, vì không thể nhịn ăn, nhịn uống, nhịn thở mãi.

Có lần đến thăm một gia đình làm nghề trồng rau ở thị xã Đồng Xoài, thấy vườn rau xanh mướt, ham quá nên xin một ít về ăn. Chủ nhà thật thà bảo: Bên đó trồng để bán. Rau nhà ăn trồng bên này. Cô ăn rau nào để chị cắt? Vậy là chị ấy chỉ làm rau sạch cho gia đình mình, còn rau đưa ra chợ là loại dùng rất nhiều thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật. Cầm túi rau chị đưa mà không khỏi lo lắng khi nghĩ đến những bó rau xanh mướt tôi vẫn mua ngoài chợ từ trước đến giờ.

Hôm rồi đi công tác Bù Gia Mập, tôi ghé thăm người anh đồng hương hiện là chủ một trang trại cà phê lớn. Lúc về, anh dúi cho hai ký cà phê nhân làm quà và không quên chú thích: Cà phê này anh trồng riêng mấy chục cây bên hông nhà để dùng và làm quà. Loại này anh không phun thuốc nên hạt nhỏ. Nhưng cô cứ uống sẽ thấy khác biệt ngay. Thì ra vạt cà phê có vẻ còi cọc bên hông nhà là “hàng nội bộ”. Thấy tôi có vẻ tâm trạng, anh cười bảo làm kinh tế thời nay mà cứ “xúc cảm” như cánh nhà văn, nhà báo các cô thì chỉ có nước bán nhà!

Từ hôm được tặng hai ký cà phê nhân, tôi không còn thói quen nhâm nhi cà phê sáng với bạn bè vào dịp cuối tuần nữa. Nhìn ly cà phê sóng sánh, tôi lại hình dung trong đó không chỉ có thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật mà còn có cả chất tạo bọt, tạo mùi thơm, vị béo... Tôi cũng có những người quen làm hàng ăn, làm bánh, mứt, kẹo... Tất cả họ đều dành những sản phẩm “nội bộ” để dùng riêng cho gia đình. Còn thứ bán cho khách có thể để vài ngày không thiu thối.

Rồi sẽ có một ngày, những chị trồng rau, anh chủ trang trại cà phê, ông làm bánh mì, bà làm mứt, kẹo...đều gặp nhau ở bệnh viện ung bướu. Tất cả họ sẽ ngơ ngác không hiểu vì sao mình đã phòng kỹ đến vậy, đã dùng “hàng nội bộ” rồi mà vẫn bị nhiễm độc hóa chất dẫn đến ung thư. Nhưng họ chỉ “nội bộ” được những thứ mình làm ra, còn những thứ khác họ vẫn phải tiêu dùng bên ngoài. Chị bán rau vẫn ăn bún phọc môn và nước mắm có u rê. Anh chủ trang trại cà phê vẫn ăn chả giò hay nem ướp hàn the và muối diêm. Ông làm bánh mì vẫn ăn heo tai xanh quay chấm nước tương 3-MCPD. Bà làm kẹo, mứt vẫn ăn tôm dư kháng sinh hấp nước dừa... Và cứ mấy giây, bệnh viện ung bướu lại có thêm một bệnh nhân nhập viện.

Chợt nghĩ, bộ máy nhà nước dù có hùng hậu đến đâu cũng không thể quản lý được tất cả những mánh lới làm ăn không trung thực. Và hậu quả nhãn tiền là nếu vì lợi ích cá nhân mà ta để mặc kệ người thì người khác cũng sẽ mặc ta. Khi ấy, tất cả chúng ta sẽ cùng hẹn nhau ở bệnh viện ung bướu! 

Bảo Khanh

 

 

  • Từ khóa
108399

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu