Thứ 5, 25/04/2024 06:52:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:58, 02/06/2018 GMT+7

Hết thời... “sống lâu lên lão làng”

Thứ 7, 02/06/2018 | 08:58:00 461 lượt xem

BP - Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng mang tính đột phá về nhiều lĩnh vực. Trong đó, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ, đã đáp ứng được sự mong mỏi, tin tưởng của nhân dân, xóa tan tư duy “dàn hàng ngang cùng tiến” hay “sống lâu lên lão làng” trong công tác cán bộ.

Sau 32 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nhất là sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đội ngũ cán bộ các cấp có bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt như lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng... Tuy nhiên, tình trạng cán bộ nhiều nhưng chưa mạnh; vừa thừa, vừa yếu còn xảy ra; sự liên thông giữa các cấp, ngành còn hạn chế. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm; còn nhiều trường hợp chạy chức, chạy quyền, bổ nhiệm thần tốc người thân vào các vị trí lãnh đạo, vun vén cho người nhà và nâng đỡ không trong sáng ở một số nơi.

Ngoài ra, việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ nhiều nơi chưa thực sự công tâm, thiếu dân chủ và định kiến địa phương; chất lượng cũng như hiệu quả đào tạo cán bộ chưa cao. Đặc biệt, với tâm lý “sống lâu lên lão làng” theo kiểu tuổi nghề càng cao ắt sẽ được bổ nhiệm; hoặc tư tưởng “quân anh, quân tôi” ta dàn hàng ngang cùng tiến... Vì thế, nhiều cán bộ, đảng viên, nhất là những người trẻ không được quan tâm nên thiếu động cơ phấn đấu và tu dưỡng rèn luyện để trở thành nhân tố tích cực trong công tác cán bộ... Những tồn tại đã nêu khiến công tác xây dựng đội ngũ cán bộ ở nước ta chưa theo kịp với nhu cầu phát triển của đất nước và thế giới trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, tại Hội nghị Trung ương 7, Đảng ta đã rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc trong công tác cán bộ và thống nhất chủ trương xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp “vừa hồng vừa chuyên”, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ thông qua việc ban hành Nghị quyết số 26.

Nghị quyết số 26 đã đặt ra nhiều mục tiêu, trong đó cơ bản đến năm 2025, bố trí bí thư tỉnh ủy và huyện ủy không phải người địa phương. Việc người đứng đầu cấp ủy không phải người địa phương sẽ tránh được sự nể nang trong quản lý, buông lỏng, dung túng trong điều hành hay ưu ái người thân, họ hàng trong bổ nhiệm cán bộ. Bình Phước tuy là tỉnh nghèo, vùng sâu, vùng xa nhưng nhiều năm qua, tỉnh cũng đã có những đột phá trong công tác cán bộ, nhất là bố trí người đứng đầu cấp ủy không phải là người địa phương. Bù Đăng là huyện đầu tiên sau ngày tái lập tỉnh thực hiện cơ chế này. Tại Bù Đốp, sau 15 năm thành lập, các đồng chí bí thư huyện ủy đều không phải là người địa phương. Chính nhờ cơ chế này, các đồng chí được điều động về làm bí thư huyện ủy đã phát huy được các phẩm chất lãnh đạo, xây dựng khối đoàn kết trong toàn đảng bộ, chính quyền và nhân dân để xây dựng Bù Đốp ngày một giàu mạnh. Khi mới thành lập huyện, Bù Đốp thu ngân sách chỉ được 21 tỷ đồng, đến năm 2017 con số này đã là 375 tỷ đồng, tăng 17 lần so với năm 2003.

Tấn Phong

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu