Thứ 6, 19/04/2024 09:44:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 15:33, 03/05/2013 GMT+7

Hiệu quả từ những chương trình hỗ trợ của Nhà nước ở xã Đồng Tâm

Thứ 6, 03/05/2013 | 15:33:00 245 lượt xem

Trước đây, ấp 1 được xem là nghèo nhất của xã Đồng Tâm (Đồng Phú), nhưng từ khi được hỗ trợ các chương trình 134, 135 và Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ, đời sống nhân dân nơi đây đã có nhiều khởi sắc.

Ông Nguyễn Minh Chí, Trưởng ấp 1 cho biết: Ấp có 303 hộ với 1.452 người gồm nhiều dân tộc sinh sống như: Kinh, Tày, Nùng, Xêtiêng, Khơme... Trước năm 2006, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, 50% hộ dân không có đất sản xuất và đất ở, sống dựa vào nghề lượm điều, hái tiêu, cạo mủ cao su thuê. Năm 2006, khi được Nhà nước hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, tiền xây nhà, cây giống, giếng nước sạch... từ các chương trình 134, 135 và Quyết định 167, đời sống người dân nơi đây được cải thiện. Nhiều hộ có của ăn của để, nhà cửa khang trang, con cái được học hành. Đến nay, ấp 1 đã được hỗ trợ xây 32 căn nhà (mỗi hộ được Nhà nước hỗ trợ 6 triệu đồng), 14 giếng nước sạch và nhiều công trình vệ sinh... Trong 32 hộ được cấp đất và hỗ trợ xây nhà, mỗi hộ còn được cấp gần 1 ha đất sản xuất và 480 cây giống (chủ yếu cao su và điều ghép)...

Kinh tế ổn định, anh Điểu Mang luôn động viên các con học

Gia đình anh Lý Minh Thành người Khơme trước đây thuộc hộ nghèo. Do không có vốn nên cuộc sống thiếu trước hụt sau, phải đi làm thuê khắp nơi vẫn không thoát nghèo. Năm 2006 được hỗ trợ 1 sào đất làm nhà, gần 1 ha đất sản xuất, 6 triệu đồng xây nhà và 480 cây điều ghép từ Chương trình 134, hai vợ chồng anh không còn lo cảnh nhà dột, cột xiêu và đói nghèo nữa. Anh Thành nói: “Nhờ có sự hỗ trợ của Nhà nước mà gia đình tôi có căn nhà này. Giờ đây vợ chồng chịu khó làm ăn, nuôi con cái ăn học thành người”.

Gia đình anh Hoàng Văn Đối - chị Hứa Thị Thủy (dân tộc Tày) cũng vươn lên từ nguồn hỗ trợ này. Trong căn nhà 134 gần như có đầy đủ tiện nghi, chị Thủy kể cho chúng tôi nghe những tháng ngày vất vả khi dừng chân lập nghiệp ở mảnh đất Đồng Tâm. Lúc đó vợ chồng chị có 3 đứa con, phải mượn đất của người dân trong vùng dựng lều ở tạm. Hàng ngày, để các con ở nhà, anh chị vào rừng kiếm măng hoặc đi mót củ mì. Những ngày măng nhiều, hái được về đổi lấy gạo ăn. Hết mùa măng anh chị lại đi làm thuê kiếm ăn qua ngày.

Anh Đối tiếp lời vợ: “Năm 2006, được Nhà nước cấp đất ở, đất sản xuất, tiền hỗ trợ xây nhà, giống cây trồng nên gia đình tôi mới có ngày hôm nay”. Từ một hộ nghèo, nay gia đình anh Đối đã ổn định kinh tế và có điều kiện lo cho con ăn học. Hai đứa con của anh là Hoàng Thị Huyền, học sinh lớp 12; Hoàng Thị Thư, lớp 9 nhiều năm liền đạt khá, giỏi. Hai em còn đạt nhiều thành tích xuất sắc trong kỳ thi học sinh giỏi tiếng Anh cấp trường, huyện. Huyền còn vinh dự được nhận học bổng Vừ A Dính năm 2009.

Từ những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, giờ đây đời sống của người dân ở ấp 1 được cải thiện rất nhiều. Trưởng ấp Nguyễn Minh Chí cho biết: Khi chưa có chương trình hỗ trợ, tỷ lệ hộ nghèo trong ấp chiếm 26%, cận nghèo 30%, nay chỉ còn 13% hộ nghèo và 20% hộ cận nghèo.

Anh Điểu Mang (dân tộc Xêtiêng) chia sẻ: Chúng tôi cảm ơn Nhà nước đã hỗ trợ  người dân đất ở, đất sản xuất, không còn phải du canh, du cư như trước. Thế nhưng, để phát huy hiệu quả 1 ha đất sản xuất, người dân phải đầu tư khoa học - kỹ thuật, giống và phân bón. Nhưng hiện tại nguồn vốn vay của người dân rất khó, vì đất không có giấy chứng nhận quyền sử dụng. Để đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho vườn cây, người dân phải đi vay ngoài với lãi suất cao. Vì vậy nhiều hộ đã để cây trồng tự phát triển mà không chăm bón.

Anh Điểu Mang cho biết thêm: “Năm trước nhà tôi vay bên ngoài 5 triệu đồng để mua phân bón cho vườn điều, mỗi tháng tiền lãi là 200 ngàn đồng. Mong các cơ quan chức năng sớm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giúp người dân vay vốn đầu tư phát triển kinh tế.

Thùy Hương

  • Từ khóa
39303

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu