Thứ 6, 29/03/2024 14:31:25 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 09:30, 19/06/2018 GMT+7

Hiệu quả từ phát triển du lịch biển, đảo

Thứ 3, 19/06/2018 | 09:30:00 421 lượt xem

BP - Tháng 8-2013, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phê duyệt Đề án “Phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020”. Mục tiêu của đề án là phấn đấu đến năm 2020, tổng thu từ du lịch biển đạt trên 200 ngàn tỷ đồng, tương đương 10 tỷ USD; tạo ra 600 ngàn việc làm trực tiếp và 1,1 triệu việc làm gián tiếp. Với mục tiêu đó, đề án hướng đến mục đích đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển và làm giàu từ biển; góp phần quan trọng ở cả hai lĩnh vực bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển và thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Bãi tắm Non Nước (Đà Nẵng) trong lành và sạch sẽ - Ảnh internet

Sau 5 năm thực hiện đề án, nhất là những năm gần đây, du lịch Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể. Lượng khách nước ngoài đến Việt Nam tăng cao, năm 2017 đạt 12,9 triệu lượt, tăng 29,1% so với năm 2016. Trong đó, khách đến bằng đường hàng không đạt 10,9 triệu lượt, khách đến bằng đường bộ đạt 1,8 triệu lượt, và khách đến bằng đường biển đạt 258,8 ngàn lượt. 5 tháng đầu năm 2018, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 6.708.428 lượt người, tăng 27,6% so cùng kỳ năm 2017. Theo phân tích và đánh giá của ngành chức năng, khách du lịch đến các vùng biển, đảo tăng nhiều hơn so với các địa phương không có biển. Điều đó khẳng định, du lịch biển, đảo Việt Nam có sức thu hút đặc biệt đối với du khách quốc tế. Du lịch biển không chỉ thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành kinh tế, khai thác hết tiềm năng, thế mạnh, tạo nhiều việc làm cho xã hội mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước khi đánh giá về du lịch biển, đảo đều khẳng định, Việt Nam là quốc gia biển giàu tiềm năng, nhiều điểm đến hấp dẫn vào bậc nhất trong khu vực và trên thế giới.

Việt Nam là quốc gia có hơn 3.260km bờ biển, trải dài từ Bắc vào Nam, với trên 125 bãi tắm đẹp được phân bố đều khắp. Đặc biệt bãi tắm ở Đà Nẵng được Tạp chí Forbes bầu chọn là một trong 6 bãi tắm quyến rũ nhất hành tinh. Nước ta cũng là một trong 12 quốc gia có các vịnh đẹp nổi tiếng thế giới như: Hạ Long (Quảng Ninh); Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế); Nha Trang, Cam Ranh, Vân Phong (Khánh Hòa); Ninh Vân (Nha Trang); Vĩnh Hy (Ninh Thuận); Xuân Đài, Vũng Rô (Phú Yên); vịnh Hà Tiên (Kiên Giang)... Cùng với đó là hệ thống trên 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ gần bờ và xa bờ hầu như còn nguyên sơ và đầy quyến rũ. Việt Nam hiện nằm ở vị thế thứ 27 trong tổng 156 quốc gia có biển trên thế giới và là một trong những nước có diện tích ven biển lớn nhất ở khu vực. Vùng lãnh thổ ven biển nước ta có 7/13 di sản thế giới và 6/8 khu dự trữ sinh quyển cùng nhiều vườn quốc gia và các khu bảo tồn thiên nhiên. Đây là những điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài nước khi về với vùng biển. Tăng trưởng của ngành du lịch đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quy hoạch, đầu tư; bảo đảm việc khai thác có hiệu quả về tiềm năng, lợi thế, cũng như tạo sự liên kết chặt chẽ với các ngành kinh tế khác. Nhiều địa phương đã xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch biển hiện đại, không chỉ đáp ứng nhu cầu cấp thiết về du lịch, mà còn làm thay đổi hẳn diện mạo của xã hội.

Nghị quyết số 09/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, đề ra mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2020 đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh”. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt xác định 7 khu vực trọng điểm ưu tiên phát triển du lịch, trong đó có tới 5 khu vực thuộc dải ven biển. Du lịch đến các địa danh biển, đảo không chỉ mang lại sự mới mẻ cho con người, mà thông qua đó còn giúp du khách, nhất là khách quốc tế hiểu thêm về hành trình khai phá, chinh phục và làm chủ biển, đảo của người Việt. Đây là loại hình du lịch đặc thù, cần có sự nghiên cứu và triển khai hết sức đồng bộ; là cách giáo dục tốt nhất về tình yêu quê hương đất nước, biển đảo quê hương.

Đề án “Phát triển du lịch biển đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020” cũng xác định đây là nhiệm vụ quan trọng trong xu thế hội nhập của nước ta với khu vực và quốc tế. Sau 5 năm thực hiện, đề án đã có một số thành công nhưng vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn, song dù khó cũng phải thực hiện bằng được. Hiện nay, đối với người dân Việt Nam rất muốn ngành du lịch và các địa phương có biển cần sớm nghiên cứu mở các tour đến 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các quần đảo, đảo xa bờ. Đây cũng là một trong những chương trình dự án phát triển du lịch đã được đề cập trong đề án của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vẫn chưa thực hiện được.(*)

Đức Hồng
(*) Bài viết tham khảo nguồn Tạp chí Du lịch

  • Từ khóa
111336

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu