Thứ 7, 20/04/2024 07:40:54 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:20, 21/08/2014 GMT+7

Hiệu ứng làm gương của người đứng đầu

Thứ 5, 21/08/2014 | 08:20:00 191 lượt xem

BP - Hai tuần qua, Đoàn kiểm tra 1190 của Tỉnh ủy đã kiểm tra tại một số đơn vị về 4 nội dung của công tác xây dựng đảng trong năm 2014, trong đó có nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và kết quả thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư về “trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”. Đến đâu, đoàn cũng được các cấp ủy đảng cung cấp đầy đủ hồ sơ liên quan đến quy định, quy trình, nội dung, cách thức triển khai 4 nội dung của công tác xây dựng đảng rất bài bản. Đồng thời, bố trí thành phần dự làm việc để giải trình những câu hỏi do đoàn đặt ra. Nhìn chung việc triển khai của các cấp ủy đảng nơi đoàn kiểm tra đều đúng quy định, không có gì đáng chê trách.

Vào giờ giải lao của một buổi làm việc, trong lúc người viết bài này lân la chuyện trò cùng những cán bộ cơ sở thì bất ngờ một người lên tiếng: Báo cáo cứ liệt kê gần trăm phần trăm cán bộ, đảng viên đăng ký nêu gương, đăng ký học và làm theo Bác. Tôi thấy chả cần phải đăng ký, cũng chả cần phải kiểm tra việc đăng ký cho nhiều. Hễ người đứng đầu cơ quan, đơn vị nêu gương cho tốt, thực hiện cho mẫu mực thì tự khắc cấp dưới sẽ nhìn đó mà làm theo thôi! 

Là thành viên đoàn kiểm tra, câu nói của người cán bộ cơ sở nọ cứ khiến tôi suy nghĩ mãi. Việc đăng ký và thực hiện nêu gương của cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ chủ chốt các cấp nói riêng là chấp hành theo đúng quy định của Trung ương. Nhưng điều mà người cán bộ cơ sở nọ đã nói không phải không có lý. Nhớ hồi đầu tháng 4 năm nay, trong nhiều nỗ lực để Hội An (Quảng Nam) trở thành một thành phố sạch - đẹp, văn minh, ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An đã phát động phong trào đi làm bằng xe đạp trong toàn thể cán bộ, công nhân viên chức thành phố. Và để làm gương, ông Bí thư thành ủy Hội An đã hàng ngày đạp xe đến công sở, dù quãng đường từ cơ quan đến nhà khá xa. Cùng thời gian này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cũng đã “vi hành” bằng phương tiện công cộng. Ông đứng trên xe buýt như một hành khách bình thường để cảm nhận công dân thủ đô đã phải vất vả thế nào khi di chuyển bằng phương tiện công cộng.

Hành xử của hai vị Bí thư thành ủy giống nhau ở chỗ cả hai đều mong muốn làm cho thành phố của mình đẹp và văn minh hơn. Ông Sự muốn Hội An không ồn ào, ô nhiễm và trở nên thân thiện trong mắt du khách. Còn ông Phạm Quang Nghị mong Hà Nội phát triển phương tiện công cộng hợp lý, an toàn, thuận tiện. Đó cũng là điều bất cứ công dân nào của 2 thành phố mong muốn. Nhưng điều mà hai vị lãnh đạo chinh phục được nhiều người là họ không chỉ nói suông mà nói bằng hành động. Trộm nghĩ, khi ông Bí thư Thành ủy Hội An đi làm bằng xe đạp và ông Bí thư Thành ủy Hà Nội đi làm bằng xe buýt thì hẳn cấp dưới của họ không thể điềm nhiên cưỡi ôtô đến công sở. Đó chính là hiệu ứng tích cực khi người lãnh đạo, đứng đầu nêu gương trong công việc.

L.T

 

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu