Thứ 5, 28/03/2024 23:55:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:00, 12/10/2018 GMT+7

TRAO ĐỔI

Hiểu và viết cho đúng

Thứ 6, 12/10/2018 | 09:00:00 4,355 lượt xem
BP - Hiện nay, khi nói và viết về chiến lược “diễn biến hòa bình”, về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, không ít cán bộ, đảng viên và người dân còn viết và hiểu chưa đúng bản chất của vấn đề. Dễ thấy nhất là khi viết các khái niệm nêu trên, lúc thì cho vào ngoặc kép, lúc lại không; lúc thì viết “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, lúc thì đảo ngược “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến”.

Dấu câu là một thành phần không thể thiếu trong tạo lập văn bản. Có rất nhiều loại dấu câu và mỗi loại dấu câu có ý nghĩa khác nhau. Dấu “” (ngoặc kép) trong tiếng Việt dùng để: đánh dấu từ ngữ, câu, đoạn dẫn trực tiếp; đánh dấu từ ngữ được hiểu theo nghĩa đặc biệt hay có hàm ý mỉa mai; trích dẫn nguyên xi từ, ngữ, câu trong văn bản. Nói một cách dễ hiểu là khi muốn trích nguyên lời nói, trích nguyên câu từ trong một văn bản thì đưa tất cả lời nói hay câu từ muốn trích dẫn trong văn bản vào trong ngoặc kép, không được thêm hay bớt bất cứ từ ngữ, dấu câu nào.

Ví dụ khi nói về vị trí, vai trò của đạo đức cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Sức có mạnh mới gánh vác được nặng và đi được xa, người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn thành được nhiệm vụ vẻ vang”; Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”. Tường thuật trực tiếp lời nói của người khác, ví dụ anh hùng Nguyễn Viết Xuân đã hô: “Nhằm thẳng vào quân thù mà bắn!”.

Ngoài ý nghĩa là trích nguyên văn thì nội dung của lời nói, từ ngữ trong dấu ngoặc kép đôi khi chứa hàm ý ngược lại với câu từ, lời nói. Trong giao tiếp, chúng ta hay nói đùa: Mình “ghét” cậu, em “ghét” anh nhưng thực chất là rất yêu quý nhau. Và 3 khái niệm “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được hiểu với ý nghĩa ngược lại.

Chiến lược “diễn biến hòa bình” có nghĩa là không hòa bình. Đó là chiến lược cơ bản của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch nhằm lật đổ chế độ chính trị - xã hội của các nước tiến bộ, trước hết là các nước xã hội chủ nghĩa ngay từ bên trong. Sở dĩ dùng từ “hòa bình” bởi phương pháp lật đổ chế độ chủ yếu bằng các biện pháp phi quân sự, không có tiếng súng, không đổ máu (kinh tế, chính trị, văn hóa, ngoại giao...), việc sử dụng biện pháp quân sự chủ yếu là nhằm răn đe. Do vậy, nó khác hoàn toàn so với cuộc chiến tranh truyền thống, dùng quân sự là chủ lực.

Theo từ điển tiếng Việt, “Diễn biến là sự biến đổi theo chiều hướng nào đó”, còn “Chuyển hóa là biến đổi sang dạng hoặc hình thái khác”. Hướng thì có nhiều hướng (hướng lên, xuống, ngang, dọc...), vì vậy có sự biến đổi thì gọi là diễn biến. Chuyển hóa cũng là biến đổi, nhưng chỉ khi sự biến đổi đó làm thay đổi sự vật, hiện tượng thì mới gọi là chuyển hóa. Chuyển hóa cũng có nhiều loại nhưng xét về ý nghĩa thì có 2 loại: loại thay đổi để tốt hơn và loại thay đổi để xấu đi (loại tích cực, loại tiêu cực).

Vì vậy, khi đưa “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vào dấu ngoặc kép là để chỉ sự biến đổi theo hướng đi xuống, loại tiêu cực. Nếu không đưa vào dấu ngoặc kép thì diễn biến và chuyển hóa gồm cả hướng đi lên, đi xuống, theo loại tích cực và có cả tiêu cực. Do đó, 3 khái niệm “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” phải cho vào dấu ngoặc kép, nếu không viết như thế là phản ánh không đúng bản chất của vấn đề đang đề cập đến.

Một vấn đề cần lưu ý là có thêm chữ “tự” ở trước “diễn biến” và “chuyển hóa”. Chữ “tự” đó để chỉ bên trong, nội tâm của mỗi người, là tự bản thân mình. Tự bản thân mình diễn biến, tự bản thân mình chuyển hóa. Khái niệm “tự diễn biến” là phản ánh quá trình đấu tranh giữa mặt tích cực và tiêu cực bên trong nội tâm của mỗi người, theo hướng tiêu cực (tức là cái tích cực giảm dần, còn cái tiêu cực tăng lên và cuối cùng là thắng thế). Khái niệm “tự chuyển hóa” là biến đổi sang dạng hoặc hình thái khác (hành động) do hậu quả của “tự diễn biến”.

“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là nói đến mặt tiêu cực, là sự suy thoái ở bên trong của mỗi người. Suy thoái ở đây là suy thoái về phẩm chất chính trị và đạo đức, lối sống theo xu hướng các yếu tố tích cực, cách mạng, hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa bị phai nhạt dần, ngược lại các yếu tố tiêu cực và hệ tư tưởng tư bản chủ nghĩa dần dần tăng lên.

Cả 2 khái niệm nêu trên đều nói về sự suy thoái, phẩm chất cách mạng của người cộng sản giảm dần. Tuy nhiên, giữa chúng có điểm khác nhau rất căn bản. “Tự diễn biến” là nói đến suy thoái trong tư tưởng, còn “tự chuyển hóa” là nói đến suy thoái trong hành động, hay nói cách khác “tự chuyển hóa” là sự nối tiếp quá trình “tự diễn biến”. Lúc đầu là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống (“tự diễn biến”), tiếp theo mới dẫn đến hành động sai trái, chống phá sự nghiệp cách mạng (“tự chuyển hóa”).

Vì vậy, khi nói và viết, thứ tự đúng là “tự diễn biến” (tư tưởng), “tự chuyển hóa” (hành động). Nếu xét trong mối quan hệ nguyên nhân - kết quả, thì “tự diễn biến” là nguyên nhân, còn “tự chuyển hóa” là kết quả. Nguyên nhân bao giờ cũng có trước, cho nên, không thể viết theo cảm tính, lúc thì cho “tự diễn biến” lên trước, lúc thì cho “tự chuyển hóa” lên trước.

Văn bản của Đảng thuộc thể loại chính luận, câu chữ, cách sắp xếp thứ tự rất chặt chẽ. Vì vậy, để hiểu được toàn bộ nội dung văn bản, điều đầu tiên phải nắm chắc các khái niệm, cấu trúc vị trí các cụm từ hay được sử dụng đi liền với nhau.

Nhật Hạ (Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Chơn Thành)

  • Từ khóa
2805

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu