Thứ 6, 19/04/2024 21:32:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:49, 14/05/2013 GMT+7

Hình sự hóa hành vi trốn đóng bảo hiểm

Thứ 3, 14/05/2013 | 09:49:00 158 lượt xem

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa cho biết, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chỉ đạo Bộ Tư pháp, trong quá trình xây dựng Dự thảo sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự, nghiên cứu tội danh trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và việc xử lý hình sự đối với một số hành vi vi phạm pháp luật BHXH.

Tình trạng trốn, chây ỳ, nợ đọng và thậm chí là cố tình chiếm dụng tiền đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) đã tồn tại từ nhiều năm nay và nó như một căn bệnh mạn tính của không ít doanh nghiệp. Theo báo cáo của BHXH Việt Nam cho biết, hết quý I/2013, toàn ngành bảo hiểm bị nợ gần 9.200 tỷ đồng, trong đó nợ BHXH là hơn 6.000 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với năm 2012.

Riêng ở Bình Phước, theo báo cáo của BHXH tỉnh thì trong 3 tháng đầu năm số nợ tiền BHXH, BHYT của các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lên tới 70.241 triệu đồng, chiếm 7,73% so với kế hoạch thu. Trong đó, nợ BHXH là 41.038 triệu đồng (gồm, nợ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 10.438 triệu đồng, riêng ngân sách địa phương nợ 8.351 triệu đồng, chiếm 80% tổng số nợ BHTN), giảm 18.657 triệu đồng so với tháng 2-2013. Trong tổng số nợ kể trên, số nợ BHXH từ trên 1 tháng đến dưới 6 tháng là 22.132 triệu đồng, nợ BHXH từ 6 tháng trở lên là 3.967 triệu đồng. Giảm 2.388 triệu đồng so với tháng 2-2013). Tổng số nợ tiền BHYT là 29.203 triệu đồng (gồm, ngân sách nhà nước chưa chuyển phần kinh phí mua thẻ và hỗ trợ mua thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và hộ nghèo, hộ cận nghèo là 17.802 triệu đồng, chiếm 60,96% so với tổng số nợ BHYT).  

Một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm là do mức phạt chậm đóng chỉ là 10%/năm, nhưng nếu vay vốn bên ngoài thì lãi suất lên đến 15 - 20%/năm. Vì vậy, doanh nghiệp chấp nhận nợ và thậm chí là chiếm dụng dài hạn tiền BHXH để có vốn quay vòng. Một nguyên nhân khác nữa là do suy thoái kinh tế toàn cầu, nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp khó khăn. Thậm chí không ít doanh nghiệp không có tiền để trả lương cho công nhân, nên gia tăng nợ BHXH.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là có rất nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ổn định, nhưng lợi dụng tình hình khó khăn vẫn cố tình chây ỳ không nộp bảo hiểm, hoặc vẫn khấu trừ tiền bảo hiểm vào lương hàng tháng của người lao động, song không nộp cho cơ quan bảo hiểm. Trong khi đó, mức xử phạt hành chính cao nhất hiện nay đối với hành vi chiếm dụng này chỉ là 30 triệu đồng, nên chưa đủ sức răn đe.

Thời gian qua, BHXH tại TP.HCM, Hà Nội, Quảng Bình… và một số tỉnh, thành phố đã khởi kiện ra tòa một cách quyết liệt các doanh nghiệp chây ỳ nợ đọng bảo hiểm, nhưng kết quả đạt được cũng không cao. Trong năm 2012, gần 600 doanh nghiệp tại TP.HCM đã bị kiện ra tòa vì nợ BHXH, chiếm hơn 80% số doanh nghiệp trong cả nước bị khởi kiện vì nợ bảo hiểm. Tuy nhiên, tỷ lệ đòi được nợ BHXH cũng chỉ đạt gần 28% so với số nợ phải thu.

Như vậy, có thể thấy rõ rằng, việc đưa vào Luật Hình sự việc xử lý các doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm là động thái quyết liệt từ các cơ quan chức năng. Quy định này chắc chắn sẽ hạn chế một cách hiệu quả tình trạng dây dưa nợ BHXH.

KN

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu