Thứ 7, 20/04/2024 17:10:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 08:18, 07/10/2015 GMT+7

Hình xăm và những hệ lụy

Thứ 4, 07/10/2015 | 08:18:00 2,658 lượt xem
BPO - Một bộ không nhỏ trong giới trẻ hiện nay đang chuộng mốt xăm hình lên cơ thể. Để đối phó với dư luận thì họ thường chống chế “Xăm trổ chưa chắc là hổ báo / Kín đáo chưa hẳn là hiền ngoan”… Họ chạy theo mốt xăm hình mà không hề hay biết xã hội, dư luận đang có cái nhìn thiếu thiện cảm với những ai có hình xăm trên cơ thể.

Có rất nhiều giả thuyết về hình xăm trên cơ thể con người. Việc xăm hình đã tồn tại từ Đông sang Tây với hàng ngàn năm nay. Ban đầu, hình xăm là một nét văn hóa, sau đó bị biến tướng và sinh nhiều dị bản. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, trong văn hóa phương Tây hình xăm xuất phát từ Hy Lạp và La Mã cổ đại dùng để đánh dấu tội phạm theo Kinh cựu ước. Ngoài ra, đây cũng là thủ tục để đánh dấu nô lệ, tù binh bắt được qua các cuộc chiến tranh đem bán cho các chủ nô. Còn ở châu Á, tục hình xăm trên cơ thể người xuất hiện ở Trung Quốc và Nhật Bản vào thời kỳ cổ đại. Tại Nhật Bản, hình xăm có hai loại, một loại dành cho tầng quý tộc và một loại dành cho bọn tội phạm, kẻ tà đạo. Sử dụng hình xăm là để phân biệt đẳng cấp, tầng lớp trong xã hội thời kỳ loài người chuyển sang giai đoạn phong kiến ở quốc gia này. Đến thời kỳ Minh Trị, Nhật Bản ban hành nhiều Bộ luật để cách tân đất nước trong đó có luật bãi bỏ, nghiêm cấm hình xăm trên cơ thể. Tại Trung Quốc từ phong trào phản Thanh phục Minh đã xuất hiện hội Tam hoàng. Để liên lạc và dễ bề hoạt động, các hội viên hội Tam hoàng đã xăm hình lên cánh tay mình như một dấu hiệu nhận biết lẫn nhau trong tổ chức. Sau này, hội này phát triển thành một băng đảng tội phạm lớn và xuất hiện tại nhiều quốc gia để hoạt động phi pháp.

Ảnh minh họa - Internet

Còn ở nước ta không ai rõ hình xăm xuất hiện từ lúc nào chưa ai có thể khẳng định. Song, vào thời nhà Trần, từ vua cho đến đại thần trong hoàng tộc đều phải xăm mình. Và hiện nay, một số trang báo mạng vì chạy theo thị hiếu tầm thường, tạo sự giật gân câu khách nên thường xuyên xoi mói một số nhân vật nổi tiếng để xem họ xăm hình gì rồi viết bài. Có bài báo như “Hôm nay Công Vinh ra sân với hình xăm lạ”, “Thủy Tiên lộ hình xăm vùng nhạy cảm”, “Rooney xăm hình gái lạ”, “Hòa Minzy xăm tên Công Phượng ở ngực”…. đã gây sốt cho lớp trẻ. Vậy xăm hình có tội hay không? Luật pháp không quy tội đối với những người xăm mình, nhưng dư luận thì không đồng tình, thậm chí là phản đối mạnh mẽ và đánh giá là thiếu đứng đắn, là đầu trộm đuôi cướp… đối với những ai có hình xăm trên cơ thể.

Không chỉ riêng người Việt mà ngay cả người Hàn Quốc, Nhật Bản hiện nay cũng có thái độ thiếu thiện ý đối với ai có hình xăm trên cơ thể. Một số công ty Hàn Quốc ở khu công nghiệp Bắc Đồng Phú xem xét rất kỹ lưỡng đối với những người có hình xăm đến phỏng vấn xin việc. Đặc biệt, các nhà tuyển dụng lao động Việt Nam để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đánh rớt ngay lập tức nếu phát hiện cơ thể ứng viên có dấu vết của hình xăm (dù đã bị tẩy xóa). Trong khối cơ quan hành chính nhà nước, cũng có không ít lãnh đạo “dị ứng” với nhân viên có xăm hình. Không ít người đã lắc đầu từ chối người tuyển dụng có xăm hình dù hồ sơ của ứng viên rất “sáng giá”… và hình xăm vô tình đã gây ra hệ lụy cho người xăm. Trong xã hội, một số người xem những ai có hình xăm với đầu trọc là đồng nghĩa với việc họ đã từng vào tù ra khám, thành phần giang hồ, bất hảo sống buông thả… Việc xăm hình lên cơ thể vừa bị mất tiền, tốn thời gian, công sức lại bị người đời nghị dị, vậy hơn lúc nào hết giới trẻ hãy từ bỏ lối a dua bắt chước có hại này. Bên cạnh đó, gia đình nên cần quan tâm, giáo dục và định hướng lại suy nghĩ cho con em mình đừng sa đà vào mốt lai căng.

Tấn Phong

  • Từ khóa
52604

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu