Thứ 5, 18/04/2024 19:47:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 07:27, 13/11/2013 GMT+7

Làng đẻ nhiều đã giảm sinh

Thứ 4, 13/11/2013 | 07:27:00 459 lượt xem

Từ thị xã Đồng Xoài, chúng tôi ngược quốc lộ 14 lên huyện Bù Đăng. Đến ngã ba Cây Chanh (tỉnh Đắk Nông) chúng tôi rẽ về hướng đông để đến thôn Sơn Tân, xã Phú Sơn, một miền quê xa xôi và hẻo lánh của tỉnh Bình Phước. Đoạn đường từ ngã ba xã ĐắK Ru vào thôn lầy lội không khác gì ruộng nước mới cày xới, có đoạn ngập sâu hơn nửa mét. Song, thôn Sơn Tân hôm nay đã thay da đổi thịt. Sự thay đổi này thể hiện rất rõ trong sinh hoạt, suy nghĩ, lẫn cung cách làm ăn của người dân.


TRỜI SINH VOI NHƯNG
KHÔNG SINH CỎ

Thôn Sơn Tân hiện có 180 hộ với 814 người, trong đó có 22 hộ đồng bào Hơmông và 35 hộ người Mơnông, còn lại là dân tộc khác. Sơn Tân là thôn mới của xã Phú Sơn khi chính quyền xây dựng thành khu định cư cho các hộ Mơnông và đưa người Hơmông ở rừng ra sinh cơ lập nghiệp trước những năm 2000.


Anh Giàng Seo Xèng và những đứa trẻ trong xóm

Già Điểu Pin (76 tuổi) kể: Trước đây người Mơnông chúng tôi ở tận vùng sâu của huyện Đắk Lấp. Theo tập quán du canh, du cư nên mỗi năm đồng bào phát rẫy tỉa lúa. Hết mùa lại kéo nhau đi tìm nơi ở mới. Những năm mất mùa, đói khổ thì vào rừng bẻ măng, bắt thú, đào củ.

Bà Thị Lích (60 tuổi) góp chuyện, đã đói lại còn đẻ nhiều nữa. Cứ nghĩ trời sinh voi thì sinh cỏ nên mỗi nhà sinh 7, 8 đứa con, có nhà cả chục đứa. Trong sóc toàn trẻ con với người già, vì lũ thanh niên phải vào rừng kiếm cái ăn. Cuộc sống của đồng bào Mơnông không chỉ đối mặt với cái đói, mà còn cả những cơn sốt rét rừng và bệnh tật. Điệp khúc nghèo đói - bệnh tật - đẻ nhiều... của đồng bào cứ lặp đi lặp lại.

Đối diện nhà già Pin có Giàng Seo Xèng (1968), dân tộc Hơmông, đang phơi cà phê chuẩn bị đem ra trung tâm xã bán. Anh Xèng cho biết, sau khi rời Bảo Thắng, Lào Cai vào huyện Bù Đăng lập nghiệp, gia đình anh cũng chọn những cánh rừng rậm để sinh sống. Với người Hơmông, sinh đẻ là chuyện “trời cho” nên gia đình nào cũng phải đẻ nhiều. Giàng Seo Xèng kể về ngày trước ở rừng, chuyện đói cơm, lạt muối; ốm đau, bệnh tật không thuốc men, chỉ cúng ma, mời thầy mo, thầy cúng rất tốn kém.


KHỞI SẮC SƠN TÂN

Ông Đậu Trọng Nhàn, Bí thư chi bộ thôn Sơn Tân cho biết, sau khi đưa các hộ người Hơmông, Mơnông từ rừng về ổn định cuộc sống, năm 2007 Sơn Tân là thôn duy nhất của xã được hưởng ưu đãi từ Chương trình 135 giai đoạn II. Từ chương trình này, Nhà nước đã đầu tư hệ thống giao thông nội vùng, đường điện, trường học... Đặc biệt, trong Chương trình 134, đồng bào dân tộc thiểu số ở Sơn Tân được Nhà nước hỗ trợ 1 ha đất/hộ và đất ở. Các hộ dân trong thôn đã trồng cà phê, nay đang cho thu hoạch.

Ông Đậu Trọng Nhàn, Bí thư chi bộ thôn Sơn Tân cho biết, hiện đường vào thôn đang được xây dựng. Vì vậy, muốn vào Sơn Tân lúc này phải đi vòng lên ngã ba Cây Chanh, tức đi qua địa phận xã Đắk Ru, huyện Đắk Rlấp để đi vào. Nhưng do con đường nằm ở vùng giáp ranh nên bị xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. 

Già Pin nói: Cuộc sống bây giờ đã sung túc hơn trước, ai cũng có việc làm, ốm đau đã có trạm y tế. Trẻ con được đến trường học chữ, có điện, nhiều hộ mua ti vi để nắm thông tin và giải trí. Còn bà Lích cho biết, cuộc sống bây giờ đã thay đổi, cơm đã đủ ăn, mặc đã đủ ấm là do đồng bào biết sinh đẻ có kế hoạch. Hai năm nay cũng còn ít cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nhưng lần thứ tư, thứ năm thì không có. Chị Nguyễn Thị Kim Thu, cán bộ dân số xã Phú Sơn xác nhận, năm 2013, chỉ có 4 hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh con thứ ba.

Sơn Tân hôm nay đã có đường, điện thắp sáng, trường học, nhà văn hóa cộng đồng để người dân hội họp. Cuộc sống ở Sơn Tân đã thay đổi, các hủ tục lạc hậu đã bị đẩy lùi. Trong thôn không còn chuyện thách cưới, khi có người chết không tổ chức tang lễ rườm rà. Nét đổi thay nữa ở Sơn Tân là hiệu quả của các chương trình 134, 135 hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đang phát huy hiệu quả. Điều quan trọng ở Sơn Tân hôm nay chính là suy nghĩ của người dân đã không còn trông chờ, ỷ lại. Thay vào đó đã biết lao động vươn lên thoát nghèo.    

T.Phong - K.Diễm

  • Từ khóa
47504

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu