Thứ 6, 26/04/2024 05:40:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:39, 17/12/2014 GMT+7

Hồ đồ hay vô cảm?

Thứ 4, 17/12/2014 | 09:39:00 131 lượt xem

BP - Vụ án cháy vườn cao su tại Tân Thành (TX. Đồng Xoài) qua 2 cấp TAND xét xử cách đây 7 năm nhưng đến bây giờ vẫn còn nguyên tính thời sự. Vì TAND tối cao đã ra quyết định kháng nghị yêu cầu hủy án để xét xử lại. Chính TAND tối cao cũng nhận thấy sự vô lý trong bản án đã tuyên: Một người cùng đốt lá điều với bị đơn vào buổi sáng, chiều lại tiếp tục đốt và có vườn điều gần với vườn cao su xảy ra cháy nhưng sao bà Nông Thị Hạnh lại vô can? Xem ra điều này cũng dễ hiểu vì người lập biên bản - tổ trưởng an ninh Lương Văn Trang - là chồng bà Hạnh và ông Trang cũng là anh ruột của bà Lương Thị Hương - một nguyên đơn. Công an viên Vi Văn Hữu tham gia lập biên bản đồng thời là nguyên đơn thứ hai... Vì thế, TAND tối cao yêu cầu “cần phải xem xét tính khách quan của nội dung biên bản nêu trên”.

Nhiều lần xét xử nhưng chưa một lần HĐXX đề cập đến thực tế đã thể xảy ra như: Đám cháy xuất phát từ việc ai đó đi ngang vườn cao su vô tình bỏ lại tàn thuốc, mồi lửa... hoặc cháy từ vườn cao su bén lửa sang vườn điều của gia đình bà Máy... Chính bản án số 12/2008/DS-ST ngày 13-5-2008 đã khẳng định: “Thời gian tháng 1 hàng năm là khoảng thời tiết hanh khô nên khả năng gây cháy là rất lớn” (vì đây là giữa mùa khô đối với các tỉnh phía Nam) thì đương nhiên, lá điều không thể ướt mà cháy ngún tới hơn 5 tiếng đồng hồ mới bắt sang vườn cao su cách chỉ vài trăm mét.

Việc xét xử sơ thẩm lần 2 cũng không thêm thông tin mới và cũng không có đại diện của cơ quan giám định xuất hiện để chứng minh điểm xuất phát của đám cháy, nhưng HĐXX vẫn quyết định bà Máy phải bồi thường cho gia đình ông Hữu. Số tiền 46,664 triệu đồng phải bồi thường lần này thấp hơn 14,57 lần so với phiên xét xử sơ thẩm lần đầu, tương đương 680 triệu đồng. Tiền giảm đi một phần do nguyên đơn Hoàng Văn Hành - Lương Thị Hương rút khỏi vụ kiện và lý do khác là HĐXX xét việc không thổi lá chống cháy của nguyên đơn để yêu cầu họ phải chịu ½ lỗi (?!).

Nếu so với việc ôm đơn đi kêu oan suốt 7 năm thì chi phí hơn 46 triệu đồng không là gì với bị đơn. Nhưng việc tòa ép họ phải nhận việc họ không làm thì sao có thể “tâm phục, khẩu phục”. Cũng vì hầu tòa và kêu oan mà bị đơn Lương Thị Máy phải dang dở chuyện học hành, kinh tế gia đình sa sút, đặc biệt là đời sống tinh thần cả nhà họ rơi vào lo âu, bế tắc thì tiền nào bù đắp nổi và tính sao cho đủ?

Nếu hai cấp tòa “cầm cân nảy mực” khách quan, công tâm và biết lo cho dân thì đã không có kiểu phán quyết chỉ dựa vào một vết cháy lem ở biên bản thiếu khách quan như thế. Sự vô cảm của một số cán bộ nắm pháp luật trong tay đã gây ra nhiều hệ lụy đau lòng. Sâu xa hơn, sự việc này còn làm mất lòng tin của người dân vào cơ quan hành pháp.  

 Bảo An

  • Từ khóa
108435

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu