Thứ 5, 25/04/2024 19:29:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 13:55, 19/04/2019 GMT+7

Hỗ trợ người tự kỷ - cần nhiều chính sách cụ thể

Thứ 6, 19/04/2019 | 13:55:00 188 lượt xem
BP - Toàn thế giới hiện có gần 67 triệu người mắc chứng tự kỷ, nhiều hơn các ca tiểu đường, ung thư và AIDS cộng lại. Tại Việt Nam có khoảng 200 ngàn trẻ tự kỷ. Thế nhưng hành trình hòa nhập trẻ tự kỷ với cộng đồng, đưa trẻ tự kỷ đến trường vẫn còn rất nhiều gian nan.

Theo ghi nhận của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có hơn 1.300 trẻ khuyết tật, trong đó có khoảng 270 trẻ tự kỷ. Nhiều cha mẹ không có điều kiện đưa con đến các trung tâm nên đành để ở nhà tự chăm sóc. Điều đó khiến trẻ càng gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Cháu H.P.T (10 tuổi), ngụ ấp Chợ, xã Tân Tiến (Đồng Phú), con của chị P.T.T bị tự kỷ từ nhỏ. Thấy bé có biểu hiện khác thường, gia đình gửi vào trường mầm non với hy vọng bé sẽ thay đổi, hòa nhập cộng đồng. Một thời gian dài, cháu T không thay đổi, cô giáo cũng bất lực vì không thể chăm sóc riêng. Vợ chồng chị T đưa con đến Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP. Hồ Chí Minh khám. Các bác sĩ chẩn đoán cháu bị tự kỷ, trí tuệ chậm phát triển. Bác sĩ khuyên gia đình cần can thiệp âm ngữ và sử dụng hình ảnh để tăng cường giao tiếp, can thiệp tâm vận động để cải thiện rối loạn điều hòa cảm giác, cải thiện hành vi không phù hợp. Tất cả công việc này, gia đình phải tự làm theo kiểu có thời gian thì tập, không lại thôi. Do không được học tập bài bản theo phương pháp riêng nên đến nay cháu T vẫn là một đứa trẻ tự kỷ. “Cháu không hòa nhập với mọi người xung quanh, không chơi với bạn, không tham gia các hoạt động của lớp. Thích thì cháu làm bài, không thích thì thôi. Bình Phước hiện chưa có trường chuyên biệt cho trẻ tự kỷ nên cháu đành chịu thiệt thòi” - chị T tâm sự.

Trẻ em tự kỷ cần có môi trường học tập, vui chơi riêng biệt (ảnh minh họa)Trẻ em tự kỷ cần có môi trường học tập, vui chơi riêng biệt (ảnh minh họa)

Nghe người thân giới thiệu, chị T đưa con đến Trường giáo dục chuyên biệt Bình Minh ở phường Tân Đồng (Đồng Xoài). Ngôi nhà chung này được xây dựng để săn sóc, nuôi dạy những học sinh đặc biệt chứ không phải là môi trường chuyên chăm sóc trẻ tự kỷ. Cô Trần Thị Thùy Trang, tốt nghiệp Khoa Giáo dục chuyên biệt, Trường đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, giáo viên Trường giáo dục chuyên biệt Bình Minh cho biết: “Dạy trẻ cá biệt thật sự là một thách thức đối với chúng tôi. Đòi hỏi giáo viên phải yêu nghề, kiên nhẫn, kiên trì, bởi không phải em nào cũng biết lắng nghe và hiểu giáo viên nói. Chúng tôi mong muốn một môi trường mà ở đó các dạng bệnh khác nhau, đặc biệt là bệnh tự kỷ có giáo án riêng, phương pháp riêng để đạt hiệu quả cao hơn”.

Theo Luật Người khuyết tật Việt Nam, có 6 dạng khuyết tật gồm khuyết tật vận động; khuyết tật nghe, nói; khuyết tật nhìn; khuyết tật thần kinh, tâm thần; khuyết tật trí tuệ; khuyết tật khác. Mặc dù tự kỷ đã được công nhận là một khuyết tật nhưng đó là dạng khuyết tật nào thì hiện nay chưa có một văn bản pháp luật nào nói rõ. Bà Phạm Thị Mai Hương, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Tự kỷ không có tên trong dạng khuyết tật nào nên nhiều phụ huynh rất khó khăn khi đi xin nhận trợ cấp xã hội cho con. Tỉnh cũng mới chỉ có 1 trường giáo dục chuyên biệt ở phường Tân Đồng, nhưng đây cũng chỉ là trường tư thục, nhận chăm sóc, dạy dỗ khoảng 100 học sinh, phần lớn các em mắc những bệnh chậm phát triển trí tuệ, hội chứng down, tăng động giảm chú ý, bại não, tự kỷ...”.

Những năm gần đây, số trẻ tự kỷ được phát hiện ngày càng tăng và có nhiều trẻ tự kỷ đến tuổi trưởng thành. Thực trạng này đòi hỏi cần phải xây dựng chính sách pháp luật cụ thể dành cho người tự kỷ, có như vậy người tự kỷ mới có thể hòa nhập tốt hơn với cộng đồng. Đồng thời, xã hội cũng cần có nhận thức đúng về hội chứng tự kỷ, từ đó tạo ra cộng đồng thân thiện với người tự kỷ.

Lê Hưng

  • Từ khóa
62112

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu