Thứ 5, 28/03/2024 20:44:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:39, 23/01/2019 GMT+7

Hòa giải tranh chấp - xin đừng “đá bóng”

Thứ 4, 23/01/2019 | 06:39:00 592 lượt xem

BP - Ngày 1-1-2014, Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực thi hành. Đây là một bước tiến quan trọng và là công cụ hữu hiệu cho hoạt động hòa giải các tranh chấp ở cơ sở. Sau khi luật đi vào cuộc sống, công tác hòa giải ở cơ sở đã có nhiều đổi mới, ngăn chặn kịp thời các hành vi phạm pháp và góp phần bảo đảm ổn định, trật tự an toàn xã hội, giảm vụ việc phải chuyển đến tòa án... Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số nơi còn bộc lộ hạn chế, chưa phát huy vai trò của tổ hòa giải, hòa giải viên cơ sở mà chủ yếu là động viên các đương sự rút đơn... nhất là các vụ tranh chấp về đất đai.

Từ những quy định của luật...

Luật Hòa giải ở cơ sở có 5 chương, 33 điều, được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20-6-2013 tại kỳ họp thứ 5. Luật quy định rất chặt chẽ về nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải ở cơ sở, hòa giải viên, tổ hòa giải; hoạt động hòa giải ở cơ sở; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong hoạt động hòa giải tại cơ sở, tức tại thôn, ấp, buôn, sóc, tổ dân phố, khu, khối phố... Đặc biệt, luật đã cụ thể hóa vai trò, trách nhiệm, quyền, nghĩa vụ của hòa giải viên và tổ hòa giải trong hoạt động hòa giải ở cơ sở. Theo quy định, những người có phẩm chất đạo đức, uy tín, hiểu biết pháp luật được người dân trong khu dân cư lựa chọn và bầu vào vị trí hòa giải viên. Tổ hòa giải có từ 3 thành viên trở lên, gồm tổ trưởng và các hòa giải viên. Số lượng tổ hòa giải, hòa giải viên trong các tổ hòa giải do chủ tịch UBND cấp xã, phường ra quyết định. Trong thực tế, hầu hết mỗi khu dân cư (thôn, ấp, buôn, sóc, tổ dân phố, khu, khối phố) là một tổ hòa giải.

Biên bản một vụ hòa giải tranh chấp không thành tại UBND phường T.B

Thực tế, địa phương nào làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở thì ở đó, tình hình an ninh, trật tự luôn được giữ vững, tạo đà cho phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống người dân. Ngược lại, những nơi còn coi nhẹ công tác hòa giải, tình hình mâu thuẫn, tranh chấp có chiều hướng tăng, dẫn đến mất trật tự, trị an xã hội. Bởi trong cuộc sống thường ngày ở khu dân cư có không ít va chạm, dẫn đến mâu thuẫn. Những va chạm này bước đầu tuy đơn giản, nhưng nếu không kịp thời giải quyết sẽ trở thành phức tạp và là nguyên nhân của khiếu kiện hoặc đụng độ làm mất an ninh, trật tự...

...Đến hòa giải thực tế

Sau nhiều năm tích cóp, ông Nguyễn Văn Anh, trú khu phố P.C, phường T.B... sửa lại căn nhà của mình. Trong quá trình xây dựng, ông Anh có chỉnh, nắn lại tường rào cho ngay hàng thẳng lối. Thấy ông Anh đập bỏ bức tường rào, bà Lê Thị Xuân là hàng xóm sát vách ra ngăn cản. Bà Xuân cho rằng, tường trào giữa hai nhà là đúng theo ranh giới, nay ông Anh xây lại lấn sang đất của mình.

Lời qua tiếng lại không ai nhường ai, bà Xuân làm đơn khiếu nại gửi đến UBND phường. UBND phường cử cán bộ phụ trách địa chính đến hiện trường xem xét. Tại đây, vị cán bộ phường rút điện thoại chụp vài kiểu ảnh rồi yêu cầu hộ ông Anh tạm dừng việc xây lại tường rào. Ông Anh cho rằng, căn cứ giấy chứng nhận đất của mình và bà Xuân, ranh giới giữa 2 nhà là một đường thẳng, tức không ai lấn qua đất của ai. Mặc cho ông Anh giải thích, cán bộ địa chính vẫn yêu cầu hộ ông Anh giữ nguyên hiện trường. Ông Anh cho biết: “Trước khi phá bỏ tường rào để xây lại cho ngay hàng thẳng lối, tôi đã qua nói chuyện với vợ chồng bà Xuân. Tôi phân tích kỹ tính pháp lý của lô đất, ranh giới và mỹ quan giữa 2 nhà, nhất là khâu vệ sinh môi trường để xây lại bức tường nhưng gia đình họ không đồng ý”. Và 3 ngày sau, khi cán bộ phường tới hiện trường, ông Anh “đón tiếp” thêm phó ban điều hành khu phố đến ngó nghiêng một chút rồi về. Sau đó, ông trưởng khu phố lại đến đứng “chống hông” ngó nghiêng hiện trường rồi nói: “Gia đình chuẩn bị giấy tờ đầy đủ để hòa giải”. 4 ngày sau, gia đình ông Anh nhận giấy mời của UBND phường đến trụ sở giải quyết vụ tranh chấp.

Đúng hẹn, tôi theo ông Anh cầm các loại giấy tờ kèm theo đến UBND phường với niềm tin đoạn tường rào nói trên sẽ tiếp tục được xây dựng sau buổi hòa giải này. Sau khi ổn định chỗ ngồi, cán bộ phụ trách công tác địa chính của UBND phường trịnh trọng giới thiệu: Căn cứ vào đơn kiến nghị của hộ bà Lê Thị Xuân, hôm nay UBND phường tổ chức hòa giải giữa 2 bên. Tham gia hòa giải gồm các phó chủ tịch UBND, chủ tịch UBMTTQVN phường, tôi - công chức địa chính và cán bộ phụ trách tiếp dân của UBND phường ghi biên bản... Tiếp đó, phó chủ tịch UBND phường lên tiếng: Đề nghị phía có đơn kiến nghị trình bày quan điểm của mình. Sau khi bà Xuân trình bày nội dung đơn, UBND phường mời ông Anh phát biểu. Và ông Anh đã đưa ra luận cứ để chứng minh ranh giới đất giữa 2 nhà là một đường thẳng, bức tường cong là do chủ ý của người xây trước, nay gia đình có điều kiện nên đập đi xây lại cho đẹp. Nếu còn giữ nguyên thì khoảng trống gần 0,9m2 đoạn tường cong sẽ là nơi trú ngụ của côn trùng, rác rưởi, gây nguy hiểm cho mọi người xung quanh. Tôi suy luận việc ông Anh xây lại bức tường cho thẳng là đúng, bởi không ai sang nhượng đất nền sau phân lô mà khúc giữa phình to như ổ bánh mì cả. Hơn nữa, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 2 nhà đều có ranh giới là một đường thẳng chứ không vòng cung như hiện trạng. Qua hồ sơ và lập luận của ông Anh, tôi cho rằng UBND phường sẽ có những phân tích thấu đáo để cả 2 bên cùng hiểu rõ vấn đề và bà Xuân sẽ rút đơn.

Nhưng thật bất ngờ, vị phó chủ tịch UBND phường kết luận ngay sau khi hai bên trình bày quan điểm của mình: “Ai cũng giữ nguyên ý kiến của mình thì buổi hòa giải không thành. Chúng tôi sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ lên Tòa án nhân dân thành phố để giải quyết. Người khiếu nại sẽ phải tạm đóng án phí cả chục triệu đồng rất tốn kém và nhiêu khê. Ý kiến của các anh chị thế nào?”. Nói xong, Phó chủ tịch UBND phường kể về một vụ tranh chấp khác rất gay gắt mới diễn ra, nhưng khi nói chuyển đơn đến tòa án thì họ rút đơn ngay. Phó chủ tịch phường nói tiếp: “Đề nghị mọi người ký vào biên bản làm việc...”. Và gần 1 tháng sau, gia đình ông Anh nhận được thông báo của Tòa án nhân dân thành phố... về việc thụ lý vụ án về tranh chấp nêu trên.

...và quả bóng trách nhiệm đã sang sân

Chứng kiến toàn bộ vụ việc, tôi hoàn toàn bất ngờ về công tác hòa giải và đặt ra nhiều câu hỏi như: Tại sao khu phố không tổ chức hòa giải? Bởi theo luật thì việc hòa giải ở cơ sở là hòa giải ở khu phố, thôn, ấp, sóc... Thứ hai, nếu như đại diện lãnh đạo UBND phường trong buổi hòa giải có về hiện trường xem xét, nắm chắc hồ sơ của các bên thì sẽ có những phân tích thấu tình đạt lý làm cho người tranh chấp tự nguyện rút đơn...

Luật sư Hoàng Minh Quang, Trưởng văn phòng luật sư Hoàng Minh Bình Phước nói: “Luật quy định rất chặt chẽ về hình thức và nội dung hòa giải ở cơ sở. Tuy nhiên, do cán bộ cơ sở kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ và nhận thức pháp luật về vấn đề đang tranh chấp chưa cao nên không ai dám phân tích các cơ sở pháp lý của vụ việc. Vì vậy, khi xử lý các vụ tranh chấp, nhất là đất đai hầu hết cán bộ làm công tác hòa giải đều động viên các bên tự nguyện rút đơn là chính. Nếu đơn không được rút, tức hòa giải bất thành thì quả bóng trách nhiệm giải quyết tranh chấp, khiếu nại... này được đá sang tòa án cũng là điều dễ hiểu”.

Tấn Phong

  • Từ khóa
94506

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu