Thứ 6, 26/04/2024 10:11:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 13:14, 01/04/2016 GMT+7

Họa sát thân

Thứ 6, 01/04/2016 | 13:14:00 5,277 lượt xem

BP - Theo sử cũ, dưới triều vua Lê Thái Tông (1434-1442), kinh thành Thăng Long xôn xao bởi một vụ án lớn. Tội nhân là một vị quan to trong triều, chỉ “dưới một người, đứng trên muôn người” - đó là quan Tể tướng, hàm Đại Tư đồ Lê Sát. Năm 1429, khi triều Lê lập biển khắc tên 93 vị khai quốc công thần, tên của Lê Sát được vinh dự khắc ở hàng thứ hai, chỉ đứng sau Lê Lai - người đã từng hy sinh để cứu Lê Lợi. Nguyên nhân vì sao Lê Sát - một vị khai quốc công thần vào bậc nhất của nhà Lê lại phải chết? Nội dung giai thoại dưới đây là lời giải cho câu hỏi trên.

Ảnh minh họa

Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, tháng 6-1437, vua Lê Thái Tông xuống chiếu nói rằng: Lê Sát chuyên quyền, giết người tài, giết Lưu Nhân Chú để ra oai, truất quyền của Trịnh Khả để mong người khác bái phục, bãi chức tước của Bùi Ư Đài để khiến đình thần không ai dám nói. Nay trẫm muốn khép vào hình luật để tỏ rõ phép nước, nhưng vì Lê Sát là đại thần cố mệnh, có công với nhà nước nên đặc cách khoan tha, song phải bãi hết chức tước.

Tháng 7-1437, vua Lê Thái Tông lại xuống chiếu phế nguyên phi Lê Thị Ngọc Dao (con gái của Lê Sát) làm thường dân. Sau đó, nhà vua ban tiếp chiếu chỉ thứ ba rằng: Tội của Lê Sát phải đáng giết, không thể dung thứ được. Lẽ ra phải đem Lê Sát chém để rao, nhưng trẫm đặc ân miễn cho không giết, duy có Đặng Đắc là kẻ bày mưu cho Lê Sát, làm nguy hại đến xã tắc thì phải chém bêu đầu.

Cuối tháng 7, nhà vua đã hạ lệnh cho Lê Sát phải tự tử tại nhà, vợ con và điền sản đều bị tịch thu. Sách “Đại Việt thông sử” viết: Lê Sát người làng Bỉ Ngũ (Lam Sơn), là bậc trí dũng song toàn. Ông theo vua (Lê) Thái Tổ khởi binh, từng trải qua nhiều gian lao nguy hiểm, lập được nhiều công lao. Lê Sát là một trong những người đầu tiên hăng hái tham gia cuộc khởi nghĩa chống ách đô hộ của quân Minh do Lê Lợi khởi xướng và lãnh đạo. Nhờ có võ nghệ rất cao cường lại dũng cảm và giàu mưu lược, ngay từ đầu, Lê Sát đã được Lê Lợi tin cậy trao quyền chỉ huy một trong những đơn vị nghĩa sĩ của Lam Sơn. Cuộc đời của Lê Sát là cuộc đời của một võ tướng, một lòng một dạ chiến đấu vì nghĩa cứu nước, cứu dân và tuyệt đối trung thành với Lê Lợi. Ông đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi chung của cuộc chiến tranh giải phóng vĩ đại đầu thế kỷ thứ XV.

Năm Đinh Mùi (1427), nhờ có nhiều công lao, Lê Sát được phong chức Thiếu úy, sau đó là Tư mã. Năm 1428, Lê Sát được phong là Nhập nội kiểm hiệu Tư khấu, Bình chương quân quốc trọng sự, hiệu là Suy trung tán trị, Hiệp trung, Mưu quốc công thần. Năm 1429, ông được phong tước Huyện Thượng hầu. Năm 1433, Lê Sát được phong hàm Đại Tư đồ. Năm 1434, ông được trao quyền Tể tướng. Lê Sát là người rất có tài, đặc biệt là tài cầm quân, nhưng ông thường làm cho người ta sợ mà theo nhiều hơn là khiến cho người ta phục mà theo.

Tuy quyền cao chức trọng nhưng về phương diện chính trị, ông không phải là người sâu sắc. Sách “Đại Việt thông sử” viết: Ông hăng hái lo tròn bổn phận phò vua và sửa sang các việc, dám can gián và nói điều ích nước, nhưng ông là võ tướng, ít hiểu đại thể chính trị, xử việc thường theo ý riêng, tính thẳng thắn nhưng làm mà ít nghĩ đến hậu họa. Lại nữa, ông là người nóng tính và ghét Tư khấu Lưu Nhân Chú nên đã kiếm cớ vu cáo để giết đi, lại còn đang tâm mà đuổi cả người em của Lưu Nhân Chú là Lưu Khắc Phục đang làm Hành khiển Nam Đạo phải đi làm Phán thủ Đại Lý Chính. Do đó, các công thần đều ghê sợ. Ông thường dùng hình phạt rất nặng, nghiêm khắc và tàn bạo.

Lời bàn:

Theo sách “Đại Việt thông sử”, vào năm 1418, khi Lê Lợi xưng là Bình Định vương, phát động cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thì Lê Sát là một trong những người đầu tiên tham gia khởi nghĩa và là người theo Lê Lợi tác chiến những lúc hiểm nghèo khắp các vùng núi của xứ Thanh. Lê Sát nổi tiếng là vị tướng dũng mãnh, lập nhiều chiến công lừng lẫy trong cuộc chiến chống giặc Minh xâm lược, liên tục bẻ gãy thế tấn công như vũ bão của quân địch, giết và bắt sống cả ngàn tên. Năm 1424, Lê Sát và Lưu Nhân Chú đổ ra đánh, chém được Liễu Thăng ở núi Mã Yên và đánh tan hơn 1 vạn quân Minh, góp phần to lớn vào cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược của quân dân Đại Việt ngày ấy. Song, tuy là một vị tướng tài ba nhưng Lê Sát vốn dĩ ít học, lại nóng tính nên khi có quyền lực, ông thường quyết định mọi thứ theo ý riêng, nhiều việc xử lý quá khắt khe, làm bừa không cân nhắc. Vốn có thù riêng với Lưu Nhân Chú từ trước, Lê Sát đã vu khống và đánh thuốc độc giết chết Nhân Chú. Chưa hết, ông còn dùng nhiều hình phạt tàn bạo khiến các quan lại dưới quyền e sợ.

Cứ theo nội dung của giai thoại trên thì việc làm của Lê Sát xét về tình và lý đều sai trái, đều là bất nhân và bất nghĩa đến mức không thể dung tha. Bởi về tình, Lưu Nhân Chú với Lê Sát là đồng đội vào sinh ra tử trên chiến trường, đã bao phen sát cánh bên nhau lập chiến công hiển hách, đánh tan quân xâm lược. Song chỉ vì lý do lo ngại Nhân Chú sẽ lấn lướt mình trong việc triều chính nên Lê Sát đã thẳng tay hạ độc thủ giết chết một vị tướng tài của nhà Lê. Về lý, Lê Sát đã phạm vào tội giết người. Tiếc thay cho một vị tướng tài, bao phen cùng nghĩa quân Lam Sơn vào sinh ra tử nơi trận mạc, đuổi đánh tên giặc cuối cùng của nhà Minh ra khỏi bờ cõi nhưng cuối cùng lại bị quyền lực làm tha hóa đạo đức, trở thành một tên gian thần để người đời khinh ghét. Mong rằng hậu thế đừng ai vì quyền lực mà sát hại đồng liêu để rồi mang họa sát thân.

ND

  • Từ khóa
109776

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu