Thứ 7, 20/04/2024 06:40:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 13:18, 02/10/2016 GMT+7

Hoàng hậu Bạch Ngọc

N.D
Chủ nhật, 02/10/2016 | 13:18:00 351 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, vua Trần Duệ Tông, tên thật là Trần Kính, là người con thứ 11 của vua Minh Tông, là em trai của vua Trần Nghệ Tông. Hoàng tử Trần Kính sinh năm Khai Hựu thứ 9 (1337). Ngay từ khi mới sinh ra, theo quy chế nhà Trần, các hoàng tử đều được giáo dục, rèn tập rất kỹ, toàn diện, ngoài việc học tập sách kinh điển nho gia như Tứ thư, Ngũ kinh, họ còn được trang bị kiến thức toàn diện về điều hành quốc gia, quân sự...

Vì thế, các hoàng thái tử, hoàng tử triều Trần khi vào độ tuổi trưởng thành, đều là những người có tri thức hiểu biết xã hội rất sâu sắc, có thể giúp đỡ vua cha khi cần thiết. Khi xảy ra vụ Dương Nhật Lễ tiếm ngôi, tôn thất quý tộc Trần đứng đầu là Trần Phủ đã phải trốn chạy lên vùng trấn Đà Giang. Trong thời gian lánh nạn này, Nghệ Tông đã giao cho em trai là Trần Kính phụ trách quân lính khí giới. Trần Kính đã hoàn thành tốt chức trách và lập được những chiến công. Vì vậy sau 3 năm trông coi triều chính, Nghệ Tông đã đưa Trần Kính lên ngôi vua với niên hiệu là Duệ Tông khi 37 tuổi.

Minh họa: S.HMinh họa: S.H

Hoàng hậu Bạch Ngọc (tên là Trần Thị Ngọc Hào) là con gái của ông Trần Công Nhu ở Chi La, Hương Sơn, Hà Tĩnh. Nhưng theo các nhà nghiên cứu Việt Nam thì bà là con ông Trần Công Thiện, người làng Tri Bản, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Về lai lịch cùng hành trạng của ông Trần Công Nhu hay Trần Công Thiện cho đến hiện tại vẫn chưa xác định được rõ ràng.

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có đoạn chép rằng: Vào tháng 9 năm Long Khánh thứ 3, vua Dụ Tông có ban sách phong con gái của Thái bảo Trần Liêu làm phi. Về sau, Trần Thị Ngọc Hào trở thành Hoàng hậu Bạch Ngọc sinh sống trong cung đình triều Trần. Năm 1377, vua Duệ Tông mất, bà nhanh chóng đưa gia quyến (trong đó có con gái Trần Thị Ngọc Hiền) cùng gia nhân tùy tòng gồm 170 người trở về vùng quê Hương Sơn, Hà Tĩnh. Khi đó, nơi đây vẫn là rừng núi hoang vu, đất đai còn chưa được khai phá. Trở về quê, bà lập tức bắt tay chỉ huy gia nhân, tùy tòng thực hiện việc khai hoang, phục hóa nhằm tạo ra lương thực duy trì cuộc sống của hàng trăm người.

Theo bản gia phả đang được lưu tại chùa Am thuộc huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, bà đã chiêu mộ được nhiều cư dân quanh vùng đến tham gia công cuộc khẩn hoang này. Do vậy, chỉ trong một thời gian không dài, cả vùng đất rộng lớn Hương Sơn, Hương Khê và Đức Thọ gồm 3.965 mẫu được trở thành một vựa lúa phì nhiêu. Đồng thời, một khu dân cư rộng lớn với nhiều làng xóm đã được hình thành. Số lượng dân cư trong vùng khai hoang của Hoàng hậu Bạch Ngọc cũng được tăng lên đáng kể, nếu lúc đầu chỉ có 170 người thì đến khoảng đầu thế kỷ XV, tức sau hơn 20 năm đã tăng lên hơn 3.000 người.

Bà được dân trong vùng quý mến bởi công lao chỉ huy khai khẩn đất đai, tạo dựng cuộc sống ấm no, đầy đủ cho nhiều hộ dân. Bà mất khoảng những năm trị vì của vua Lê Thánh Tông (1460-1497), hưởng thọ ước chừng hơn 100 tuổi. Sau khi bà từ trần, nhiều làng trong vùng đã tôn thờ bà làm Thành hoàng và tôn xưng là Thánh mẫu. Các triều đại Tây Sơn và triều Nguyễn (Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định) đều có sắc phong tôn vinh bà. 

Cũng theo sách nêu trên, khi Lê Lợi khởi binh chống quân Minh, Hoàng hậu Bạch Ngọc đã nhiệt tình ủng hộ số lương thực dự trữ trong các kho lương thực của mình. Đồng thời, bà còn cho phép nhiều nông dân, tá điền được tham gia bổ sung vào lực lượng quân khởi nghĩa. Hai người hầu cận thân thiết của Hoàng hậu Bạch Ngọc là Nguyễn Thời Kính và Phạm Quốc Trung cũng được tuyển dụng để phục vụ cho chủ tướng Lê Lợi. Sau này, hai ông sát cánh cùng nghĩa quân Lam Sơn lập được chiến công trong quá trình chống giặc Minh. Sau khi Lê Lợi đánh thắng giặc Minh, bà xin nhà vua lập chùa Am và chùa Tiên Lữ rồi xuất gia về tu hành tại chùa Am, ngày ngày tụng kinh niệm phật cầu cho quốc thái dân an.

Lời bàn:

Theo nội dung của giai thoại trên đây, Hoàng hậu Bạch Ngọc là người đã có những cống hiến to lớn đối với sự phát triển của vùng đất Hà Tĩnh vào thời nhà Trần trị vì. Bà đã trực tiếp chỉ huy con cháu, cùng nhân dân trong các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Đức Thọ, Can Lộc khai hoang ruộng đất tạo thành một vùng làng xóm trù phú, dân cư đông đúc với một cuộc sống thanh bình, no đủ. Và đặc biệt, bà đã đóng góp tích cực đối với phong trào đấu tranh chống quân Minh xâm lược đầu thế kỷ XV. Hơn 600 năm đã trôi qua nhưng những câu chuyện xung quanh cuộc đời Hoàng hậu Bạch Ngọc vẫn luôn là niềm tự hào của người dân đất Việt nói chung và nhân dân Hà Tĩnh nói riêng.

Trong lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã chứng minh rằng, mỗi khi đất nước có ngoại xâm thì dù già hay trẻ, đàn ông hay phụ nữ đều sẵn sàng cầm vũ khí chống lại kẻ thù. Thời cổ đại có hai bà Trưng Trắc và Trưng Nhị, rồi bà Triệu Thị Trinh, Bùi Thị Xuân... và trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã có biết bao gương nữ anh hùng. Và điều đọng lại sau giai thoại trên là hậu thế cần ghi nhận, tôn vinh và tri ân những đóng góp xuất sắc của Hoàng hậu Bạch Ngọc cũng như các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.

  • Từ khóa
109842

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu