Thứ 7, 11/05/2024 10:38:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:21, 07/06/2018 GMT+7

Học Bác để sống trách nhiệm hơn

Thứ 5, 07/06/2018 | 06:21:00 975 lượt xem
BP - Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đang thấm sâu trong mọi tầng lớp nhân dân. Tuy mỗi người học Bác một cách khác nhau, nhưng tựu trung ở những điều đơn giản, gần gũi nhất. Ông Lý Văn Phú ở ấp Thuận Thành 1, xã Thuận Lợi học Bác tính kiên trì, sống vì mọi người; anh Lục Văn Hợp, Phó chủ tịch UBMTTQVN xã Tân Hưng học Bác tính gần dân để lo cho dân.

Cán bộ trẻ làm dân vận khéo

“Học tập và làm theo Bác không phải ở đâu xa, làm những việc to lớn mà chỉ cần làm tốt công việc hằng ngày bằng cả sự nhiệt huyết, gương mẫu, nói đi đôi với làm, phát huy vai trò trung tâm đoàn kết”- đó là chia sẻ của anh Lục Văn Hợp, Phó chủ tịch UBMTTQVN xã Tân Hưng (Đồng Phú).

Anh Lục Văn Hợp (bìa phải) đến từng nhà vận động nhân dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư

Xông xáo, năng nổ, nhiệt tình trong công việc là những gì chúng tôi cảm nhận được khi cùng anh đi vận động nhân dân làm đường nông thôn mới (NTM) tại ấp Pa Pếch, xã Tân Hưng. Làm công tác mặt trận thường phải có thâm niên, kinh nghiệm, nhưng bằng uy tín của bản thân, anh Hợp cùng mặt trận, đoàn thể đã vận động nhân dân chặt cây, hiến đất, ngày công lao động làm đường, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trong xây dựng NTM.

Khi Nhà nước có chủ trương đầu tư đường điện hạ thế 7km vào ấp Pa Pếch, anh Hợp cùng Ban điều hành ấp chủ động tham mưu thành lập tổ tuyên truyền và tổ giải tỏa, cưa cây và chở đi bán giúp các hộ bị giải tỏa. Sau gần 1 tháng, các hộ hai bên đường đã hoàn thành cam kết giải tỏa cây trồng, sẵn sàng giao mặt bằng thi công đường điện. “Để đảm bảo an toàn đường điện, đã có 3.150 cây cao su 10 năm và 2.800 cây điều 11 năm tuổi, trị giá trên 1,7 tỷ đồng bị cưa, nhưng ai nấy đều sẵn sàng “hy sinh” cho lợi ích chung vì tư tưởng đã thông” - anh Hợp nói.

Năm 2016, các ấp trong xã triển khai xây dựng NTM, quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn vì một số hộ cho rằng làm đường nông thôn là trách nhiệm của Nhà nước. Có nhà chỉ vì tiếc 2 cây điều đang thu hoạch mà không chịu chặt để nắn đường cho thẳng. Để thuyết phục, anh Hợp phải nhiều lần đến nhà giải thích, vừa tâm tình. Cuối cùng hộ này cũng đồng ý chặt cây. Nhờ làm tốt công tác vận động, nhân dân ấp Pa Pếch còn tự giải tỏa hành lang, đóng góp 242 triệu đồng và 220 ngày công sửa chữa, khơi thông rãnh nước 12km đường.

Ông Lý Văn Phú lấy ý kiến các hộ dân trong tổ về chất lượng con đường vừa hoàn thành

Nhờ tích cực, chủ động, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phát huy vai trò sức trẻ trong công tác mặt trận, anh Hợp cùng các thành viên UBMTTQVN xã đã góp phần làm diện mạo xã Tân Hưng dần đổi thay, đời sống người dân không ngừng được nâng cao. Hiện 6 khu dân cư trong xã đều đạt văn hóa, không có tội phạm, ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, đạt chuẩn về an ninh trật tự. Trong đó, ấp Cây Cầy và Suối Da đạt khu dân cư văn hóa 3 năm liên tục; các ấp Suối Nhung, Pa Pếch và ấp 5 đạt văn hóa 2 năm liền. 1.130 hộ/1.211 hộ đạt gia đình văn hóa, chiếm 93,31%. Đến nay, Tân Hưng đã hoàn thành 13/19 tiêu chí NTM.

Với vai trò Phó chủ tịch UBMTTQVN xã kiêm Bí thư Chi bộ ấp Suối Đôi, anh Hợp luôn tiên phong, gương mẫu làm việc khoa học từ những công việc nhỏ nhất với khát vọng ngày càng hoàn thiện bản thân. Anh vinh dự được các cấp tặng nhiều giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” (nay là “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh) và xây dựng NTM.

Làm đường theo cách của nông dân

1 năm trước, chúng tôi đến tổ 3, ấp Thuận Thành 1, xã Thuận Lợi (Đồng Phú) rất khó khăn. Mùa mưa, nước ngập ngang bánh xe, nhiều rãnh sâu hai bên đường do mưa xói rất nguy hiểm. Giờ trở lại, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng vì con đường vào ấp được bê tông xi măng rộng rãi, sạch, đẹp. Tuyến đường này không được Nhà nước đầu tư theo cơ chế đặc thù mà 100% do nhân dân đóng góp, trong đó có phần công sức không nhỏ của lão nông Lý Văn Phú (57 tuổi) - người 3 năm liền kiên trì đứng ra vận động người dân đóng góp làm đường.

Đón chúng tôi bằng nụ cười hiền, lão nông Lý Văn Phú chia sẻ, đã đọc nhiều mẩu chuyện về Bác và mỗi câu chuyện ông lại đúc rút cho mình một bài học riêng. “Hằng ngày đi trên đoạn đường liên ấp bị sạt lở, hư hỏng, mùa mưa nước chảy thành rãnh, ngập ngang bánh xe khiến người dân trong ấp lưu thông gặp khó khăn. Nhìn cảnh học sinh đến trường bị trượt chân té, lấm lem quần áo mà chạnh lòng. Mình không làm việc xã hội giúp cộng đồng thì làm những việc nhỏ giúp ích cho gia đình và hàng xóm bớt cực. Năm 2015, tôi mạnh dạn đem ý tưởng làm đường ra bàn với người dân trong tổ và lãnh đạo xã thì nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. Do tổ chỉ có 13 hộ mà số tiền làm đường lớn nên tôi chia nhỏ khoản thu và thu trong nhiều năm để người dân dễ đóng góp” - ông Phú giãi bày.

Đã thống nhất về chủ trương nên cứ đầu tháng, ông Phú đem sổ đến từng nhà thu tiền, mỗi hộ thu 200 ngàn đồng/tháng, kiên trì trong 3 năm thu được gần 100 triệu đồng. Bản thân ông đóng góp 13 triệu đồng, còn lại do một số hộ có đất rẫy đi qua địa bàn đóng góp. Từ số tiền này, các hộ dân cùng bàn bạc mua cát, đá, xi măng và thuê thợ về thảm bê tông tuyến đường dài 225m, rộng 3m, sau 7 ngày hoàn thành với kinh phí 215 triệu đồng. Có đường bê tông khang trang, ông bàn với các hộ dân đóng góp thêm kéo đèn đường để đi lại thuận tiện về đêm và đảm bảo an ninh trật tự.

“Từ khi hoàn thành đoạn đường, chúng tôi rất phấn khởi. Từ nay, bà con được đi trên con đường rộng, sạch sẽ, không còn cảnh bụi mù vào mùa khô và lầy lội vào mùa mưa như trước nữa” - bà Lê Thị Sương ở tổ 3, ấp Thuận Thành 1 phấn khởi.

Ngân Hà

  • Từ khóa
2130

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu