Thứ 4, 24/04/2024 08:59:38 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 13:10, 17/09/2016 GMT+7

Học Bác từ những việc làm giản dị

Phạm Công - Văn Nguyên
Thứ 7, 17/09/2016 | 13:10:00 1,225 lượt xem
BP - Thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, sau 5 năm triển khai thực hiện, đến nay huyện Bù Gia Mập đã xuất hiện ngày càng nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu học và làm theo Bác bằng việc làm đơn giản, cụ thể trong cuộc sống.

GIỮ GÌN VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG

Ông Điểu KiêuÔng Điểu Kiêu

Học Bác không phải những việc to tát mà là những công việc cụ thể hằng ngày. Với ông Điểu Kiêu ở thôn Bù Gia Phúc, xã Phú Nghĩa cũng vậy. Gắn bó với những âm thanh nhạc cụ dân tộc S’tiêng từ bé, khi lớn lên, tiếng khèn, tiếng đờn tre rồi cả tiếng cồng, chiêng như những người bạn chia sẻ cùng ông niềm vui, nỗi buồn và cả những vất vả, mệt nhọc trong lao động. Giờ đây, thứ mà ông có được từ tình yêu dành cho nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình đó là cuốn sổ nhật ký dày cả trăm trang ghi chép cẩn thận những bài ca của đồng bào S’tiêng. Đây đều là những bài do chính ông sáng tác, viết lời. Đó cũng là kỷ vật vô giá luôn được ông nâng niu, giữ gìn cẩn thận.

Với ông Điểu Kiêu, âm nhạc dân tộc S’tiêng như người bạn, là nguồn vui, tiếp thêm nghị lực để ông thêm hăng say lao động sản xuất. Nhưng cũng chính nó khiến ông trở nên lo lắng. Bởi số người trong thôn biết chơi nhạc cụ dân tộc này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hầu hết lớp trẻ, thanh niên nơi đây đều “chạy” theo nhạc thị trường, quay lưng với âm nhạc dân tộc. Những suy tư, trăn trở khiến ông luôn đau đáu với giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình trước nguy cơ mai một. Và tình yêu dành cho nhạc cụ chiêng, khèn trong ông ngày một nhiều hơn. Ông Điểu Kiêu cho biết: “Sau thời gian lao động mệt nhọc, khi về nhà lấy khèn bầu hoặc đàn tre ra chơi một bản nhạc và hát một bài sẽ giúp tinh thần thoải mái. Là người con của đồng bào S’tiêng tôi sẽ giữ gìn nét văn hóa trong âm nhạc dân tộc để truyền dạy cho con cháu”.

GÓP SỨC XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG

Ông Bùi Tấn BảnÔng Bùi Tấn Bản

Trong cuộc sống, mỗi người lại có định nghĩa riêng về hạnh phúc. Với ông Bùi Tấn Bản, thôn Phước Sơn, xã Đức Hạnh thì hạnh phúc đơn giản là được góp sức chăm lo, giữ gìn an ninh trật tự của thôn, được bà con tin yêu, quý mến. Đảm nhận vai trò trưởng thôn từ năm 2007, ông luôn phát huy tinh thần gương mẫu trong mọi phong trào, hoạt động tại địa bàn. “Nói đi đôi với làm”, cùng với việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân, vận động bà con phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, ông luôn động viên gia đình, người thân khắc phục khó khăn, xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc, chăm lo cho các con ăn học.

Phát huy tinh thần dân chủ, mọi công việc ở thôn đều được ông đưa ra họp bàn, thảo luận, rồi thống nhất ý kiến, sau đó phân công cụ thể cho từng thành viên trong ban thôn. Nhờ đó, mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như các phong trào thi đua yêu nước luôn được bà con hưởng ứng nhiệt tình và thực hiện hiệu quả. Từ năm 2013 đến nay, thôn không có trường hợp sinh con thứ 3 trở lên, 98,9% số hộ đạt gia đình văn hóa. Thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Toàn thôn vận động đóng góp được trên 400 triệu đồng và hơn 200 ngày công lao động để làm đường giao thông nông thôn, sửa nhà văn hóa. Đây cũng là thôn đầu tiên của huyện kéo điện thắp sáng đường thôn, góp phần đảm bảo an ninh trật tự.

Vẫn còn nhiều gương sáng trên địa bàn huyện Bù Gia Mập đang hằng ngày học và làm theo Bác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực gắn với hoàn cảnh, công việc, nhiệm vụ riêng. Qua đó góp phần xây dựng huyện biên giới Bù Gia Mập ngày một phát triển.

  • Từ khóa
1971

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu