Thứ 5, 28/03/2024 17:49:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 15:22, 22/11/2018 GMT+7

“Học sinh là hơi thở, là cuộc sống của tôi!”

Thứ 5, 22/11/2018 | 15:22:00 160 lượt xem
BP - Về dạy ở điểm lẻ vùng sâu của xã khó khăn Đồng Tiến (Đồng Phú) từ năm 2004, đến năm học 2010-2011, cô Nguyễn Thị Thu Hương xin về giảng dạy ở Trường tiểu học Tân Bình B (Đồng Xoài) để có điều kiện nâng cao tay nghề. Tuy nhiên, chính thời gian giảng dạy ở nơi gian khó đã cho cô nhiều bài học kinh nghiệm để có được những thành tích nổi bật trong công tác. Cô hiện là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, là tấm gương sáng trong lòng nhiều thế hệ học trò.

Đang dạy ở trường chuẩn có tiếng của tỉnh Gia Lai, cô Hương theo chồng về công tác tại Bình Phước. Thời gian đầu dạy ở điểm lẻ ấp Sắt Xi Trường tiểu học Đồng Tiến B, xã Đồng Tiến (nay thuộc xã Tân Phước, huyện Đồng Phú). Mỗi ngày lên lớp với cô đều gặp những chuyện hồi hộp.

Cô Nguyễn Thị Thu Hương vinh dự đón nhận bằng khen của Bộ GD-ĐT tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện chương trình VNEN

Cô Hương bồi hồi nhớ lại: Thời gian dạy ở điểm lẻ, đường đi lại khó khăn, những hôm trời mưa, trò đi nhờ xe thì cả cô và trò vì đường trơn cùng ngã nhào, lấm lem đất đỏ. Lớp học chỉ hơn 10 em nhưng nhiều em nghịch phá nên cô phải tìm đủ cách để thu hút học trò, duy trì sĩ số. Mỗi khi đến lớp, chưa thấy đủ trò, cô lại tìm đến các điểm nhóm thường đánh bài, quán bi-da hoặc đến tận nhà dẫn các em ra lớp. Bằng tình yêu nghề, yêu học trò đã giúp cô vượt qua ngày tháng khó khăn đó. Những ngày lễ, dịp 20-11, trò mang đến tặng cô chỉ trái bí, mướp, mớ rau..., nhưng đó là sức mạnh, là sợi dây gắn kết ân tình giữa cô với mảnh đất còn nhiều khó khăn, thiếu thốn của huyện Đồng Phú.

Cậu học trò tên C.B trong lớp khiến cô ấn tượng nhất. Đến lớp, không thấy trò “cá biệt” này là biết ngay những điểm em B thường đến, không đánh bài thì bi-da... Một lần, B không đến các tụ điểm chơi bời mà ở nhà tưới cà phê. Ba mẹ không bắt nghỉ nhưng em nói thích nghỉ thì nghỉ thôi! Vì B học rất tốt nên cô tiếc, quyết tâm năn nỉ trò quay lại lớp. Tuy nhiên hết lớp 8, B nghỉ học, đi học nghề rồi lấy vợ. Sau bao nhiêu năm B vẫn quý cô, luôn tâm sự cùng cô khi gặp khó khăn hay niềm vui trong cuộc sống. Đó là niềm hạnh phúc mà chỉ có nghề giáo mới có được.

Về công tác tại thị xã Đồng Xoài, điều kiện giảng dạy tốt hơn hẳn nhưng cô Hương lại gặp những áp lực khác, nhất là việc phụ huynh quá quan tâm đến con, luôn muốn cô phải chăm sóc con mình thật “đặc biệt”. Cô chia sẻ: “Đầu mỗi năm học, tôi chủ động tìm hiểu hoàn cảnh gia đình từng học sinh để có phương pháp giảng dạy phù hợp và sẵn sàng chia sẻ buồn vui cũng như kịp thời hỗ trợ khi các em gặp khó khăn, biến cố. Nhiều em cha mẹ ly hôn, học hành sa sút, tôi tâm sự, động viên và khích lệ các em học tập”. Như người lái đò âm thầm, tận tụy, cô đã áp dụng nhiều phương pháp giúp học trò cảm nhận được tình yêu của người thầy để vươn lên học tập tốt hơn.

Chính sự ham học hỏi, chịu khó đầu tư chuyên môn nên mỗi giờ học của cô đều sôi nổi, thú vị, từ đó lôi cuốn học sinh cùng tìm hiểu, tiếp thu những kiến thức mới. Nhờ phương pháp giảng dạy tạo sự thi đua cạnh tranh giữa các nhóm trong học tập, đặc biệt tính tương tác giữa giáo viên với học sinh, học sinh với học sinh, nhà trường với gia đình học sinh ngày càng tăng đã tạo hiệu ứng tích cực trong nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của lớp. Với cô Hương: “Học sinh là hơi thở và cũng là cuộc sống của tôi!”

Ghi nhận những nỗ lực của cô là những tấm bằng khen, giấy khen của Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh, Sở GD-ĐT... và danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở nhiều năm liền. Trong thời gian làm Bí thư Chi đoàn Trường tiểu học Đồng Tiến B, cô được Trung ương Đoàn tuyên dương và là một trong 5 giáo viên của tỉnh nhận bằng khen của Bộ GD-ĐT tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện chương trình VNEN (2011-2016).

Mai Ly

  • Từ khóa
88320

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu