Thứ 4, 24/04/2024 01:45:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 07:35, 19/07/2019 GMT+7

Học văn là học làm người!

Thứ 6, 19/07/2019 | 07:35:00 3,009 lượt xem
BP - Ngày 14-7, Bộ GD-ĐT chính thức công bố điểm thi THPT quốc gia năm 2019. Bên cạnh tin vui 1.270 bài thi đạt điểm 10, điểm trung bình các môn thi cao hơn năm trước thì cùng với đó, 3.128 thí sinh trượt tốt nghiệp THPT vì bị điểm liệt, mà ngữ văn có tới 1.265 bài từ điểm 0 đến dưới 1 điểm. Điều này đã phản ánh thực trạng rất buồn về việc dạy văn, học văn những năm gần đây.

Thời kinh tế thị trường với nhiều ngành nghề có khả năng tìm việc và thu nhập cao tập trung ở khối thi với các môn tự nhiên, khiến học sinh và phụ huynh đầu tư nhiều hơn. Ở khía cạnh khác, học văn luôn cần sự sáng tạo, cần cái riêng để khám phá cái hay, cái đẹp của văn chương. Trong khi đó, nhiều thầy cô dạy văn lại khô cứng, rập khuôn, nghiêng về thi cử, không tạo được hứng thú, cảm xúc cho học sinh. Học sinh không được tự do diễn đạt, bình luận hay tả thực một bài văn với chính suy nghĩ của bản thân, tự do cảm thụ, thẩm thấu thì làm sao thể hiện được tư cách và lối sống...

Năm học 2018-2019, một người bạn đã kể lại, cô ấy có con trai học ở một trường tiểu học trên địa bàn thành phố Đồng Xoài (xin giấu tên) đã phải dở cười, dở mếu vì cô giáo gọi điện thoại phàn nàn: “Sắp thi học kỳ 2 rồi mà con chị không chịu học thuộc bài văn mẫu em giao. Chị về bảo ban cháu giúp em nha”!? Còn cô ấy lại không muốn con mình là cái máy photocopy theo “sáng kiến” của cô giáo. Theo bạn tôi thì dù con viết văn không hay bằng bài văn mẫu nhưng đó là kiến thức thực mà con tích lũy được sau 1 năm học. Điều đó đáng quý hơn nhiều so với bảng thành tích “đẹp” mà cô giáo muốn dành cho.

Nếu ai từng may mắn được học với thầy cô biết khơi gợi sự yêu thích văn chương của trò, thì tin chắc, các em sẽ thấu hiểu rất rõ tinh thần “văn học là nhân học”, học văn chính là học cách làm người. Mục đích của học văn là nhằm giáo dục đạo đức, nhân cách, tư tưởng thông qua những hình tượng văn học giàu cảm xúc, hình ảnh. Vì thế, không ai có thể phủ nhận vai trò của môn văn đã tác động lớn đến việc bồi dưỡng tâm hồn, tư tưởng, nhân cách của những người học nó; xây dựng ý thức trách nhiệm, lối sống thông qua mỗi tác phẩm văn học.

Học văn để biết làm người, có cảm xúc, yêu thương cái đẹp, biết ghét cái xấu, phân biệt đúng - sai, biết cảm thông, rơi lệ trước nỗi đau... Bởi giá trị nhân văn của nhiều tác phẩm văn học lớn vẫn mãi trường tồn với thời gian. Câu chuyện Bó đũa dạy ta biết đoàn kết, bài thơ Thương ông giúp ta biết yêu thương người thân, truyện Tấm Cám dạy ta tránh xa cái ác... Còn ngược lại, tiết học văn chỉ toàn là đọc - chép giáo án và sách giáo khoa một cách sáo rỗng, tẻ nhạt, khiên cưỡng... trong khi thời lượng tiết học dao động từ 4-5 tiết/tuần chỉ càng làm các em “sợ” và càng không thể yêu thích môn học vốn mang lại giá trị nhân bản cao cả.

Nếu môn văn vẫn tiếp tục không được hiểu đúng, truyền thụ đúng thì nỗi buồn điểm liệt về môn này sẽ còn tiếp diễn! Buồn hơn nữa là tâm hồn những học trò cũng ngày càng trở nên nghèo nàn, thực dụng hơn, méo mó và cằn cỗi hơn nếu thiếu kiến thức môn văn làm nền tảng trong hành trang bước vào đời.

An Nhiên

  • Từ khóa
109149

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu