Thứ 5, 28/03/2024 23:38:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:35, 29/05/2018 GMT+7

“Hội chẩn” vấn đề “nóng” của ngành y tế

Thứ 3, 29/05/2018 | 06:35:00 348 lượt xem
BP - Niềm tin của người dân và “giữ chân” bác sĩ giỏi ở lại là những vấn đề khiến các đơn vị y tế công trên địa bàn tỉnh đang “đau đầu”. Làm thế nào giải quyết được 2 vấn đề này?

Người dân và bác sĩ trên địa bàn tỉnh bỏ gần đi xa, bỏ công theo tư, nhiều năm liền Bệnh viện đa khoa tỉnh không tuyển được bác sĩ, nhiều thiết bị hiện đại trùm mền do chưa tìm được bác sĩ đủ kinh nghiệm để sử dụng... là câu chuyện chưa bao giờ cũ ở Bình Phước. Trong đợt giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh về quy hoạch phát triển sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010-2020 vào đầu tháng 5 vừa qua, những vấn đề này một lần nữa lại “nóng” lên.

Thiếu 1.054 biên chế sự nghiệp, 205 chỉ tiêu hợp đồng

Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn tới chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn tỉnh chưa cao thời gian qua là do ngành y tế thiếu nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng. Và đây là mấu chốt để giải quyết cả 2 vấn đề đang khiến các cơ sở y tế công lập “đau đầu” hiện nay. Một số chuyên khoa như lao, phong, tâm thần, chẩn đoán hình ảnh, chấn thương chỉnh hình... của y tế tuyến tỉnh thiếu nhân lực chất lượng cao. Hiện nay, trình độ trung cấp toàn ngành y tế tỉnh có 2.101/3.356 công chức, viên chức, người lao động, chiếm 62,6%; trình độ đại học 765 người, chiếm 22,8%; sau đại học chỉ có 208 người...

Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh phẫu thuật, chữa trị vết thương cho bệnh nhân - Ảnh: B.L

Bác sĩ Nguyễn Đồng Thông, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Toàn ngành đang cần thêm 222 bác sĩ, trong khi công tác đào tạo, tuyển dụng, thu hút nhân lực còn gặp nhiều khó khăn; chính sách đào tạo, tuyển dụng, thu hút nhân lực có nhiều bất cập, chưa đủ sức hấp dẫn. Chi đầu tư cho y tế thấp, cụ thể từ năm 2015-2018 chỉ có 41,797 tỷ đồng, đạt 0,13% tổng chi ngân sách tỉnh; chi sự nghiệp 1.752 tỷ đồng, đạt 5,61% tổng chi ngân sách tỉnh. Cơ sở vật chất của một số trạm y tế xã đang xuống cấp, trang thiết bị y tế thiếu, không đồng bộ, hiệu quả sử dụng chưa cao; một số trạm y tế chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Bác sĩ Nguyễn Đồng Thông cũng cho biết, nhiều năm nay, kết nối của ngành y tế tỉnh với sinh viên ngành y tại các trường đại học y dược không có hiệu quả. Nguyên nhân do điều kiện của tỉnh còn khó khăn không đáp ứng yêu cầu mức lương cũng như môi trường làm việc của các bác sĩ. Theo Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV ngày 5-6-2007 của Bộ Y tế - Bộ Nội vụ, biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước phải được bổ sung so với mức tăng dân số và chỉ tiêu giường bệnh được giao. Năm 2011, số dân của tỉnh 910.003 người, chỉ tiêu được giao 2.225 giường bệnh. Đến năm 2017, số dân của tỉnh 968.922 người, chỉ tiêu được giao 2.635 giường bệnh. Thế nhưng biên chế sự nghiệp ngành y tế của tỉnh chưa được giao bổ sung tương ứng với sự gia tăng dân số và chỉ tiêu giường bệnh. Theo quy định, toàn ngành y tế hiện thiếu 1.054 biên chế sự nghiệp, 205 chỉ tiêu hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP. Điển hình như Bệnh viện y học cổ truyền: Năm 2011, chỉ tiêu đơn vị được giao 63 biên chế sự nghiệp, 5 hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP, 80 giường bệnh. Đến năm 2017, đơn vị được giao 150 giường bệnh nhưng chưa được giao bổ sung biên chế tương ứng.

Báo động “chảy máu chất xám”

Khó chồng khó khi ngành y tế trên địa bàn tỉnh phải đối mặt với sự dịch chuyển bác sĩ từ bệnh viện công sang bệnh viện tư làm việc trong thời gian gần đây. Nhiều bác sĩ tay nghề giỏi, có kinh nghiệm, đã qua đào tạo nâng cao chuyển sang làm tại bệnh viện hoặc phòng khám tư. Là huyện biên giới, Bù Gia Mập có 1 trung tâm và 8 trạm y tế xã với 152 cán bộ, viên chức, người lao động, trong đó chỉ có 16 bác sĩ. “Huyện có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, nhiều thôn, xã khó khăn. Huyện đã cử 16 cán bộ y tế đi đào tạo nhưng hiện đã có 2 bác sĩ nghỉ ra phòng khám tư làm việc do môi trường làm việc, thu nhập tại các bệnh viện tư cao (20 triệu đồng/tháng). Việc “giữ chân” bác sĩ gắn bó với cơ sở y tế của huyện đang gặp khó khăn. Trong khi tỷ lệ bác sĩ/vạn dân của huyện đạt thấp, chỉ 2,09%” - ông Phạm Hồng Khanh, Phó chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập cho biết.

“Đến nay, huyện Bù Đốp đã có 2 bác sĩ chuyển ra các phòng khám tư, 1 bác sĩ đang muốn bỏ công theo tư, tôi đã phải làm công tác tư tưởng. Cần có giải pháp ngăn chặn tình trạng này cũng như phải thăm dò nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của bác sĩ, vì đây là một hiện tượng đáng lo” - Bí thư Huyện ủy Bù Đốp, thành viên Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Hà Anh Dũng phát biểu trong buổi giám sát ở Sở Y tế ngày 9-5-2018.

Phải bắt đầu ngay từ bây giờ

Thực hiện Quyết định số 1610/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 9-7-2010 về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010-2015, định hướng đến năm 2020, hệ thống tổ chức bộ máy ngành y tế được kiện toàn, sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Năm 2010, ngành y tế có 51 đơn vị, năm 2015 có 55 đơn vị, năm 2016 còn 45 đơn vị, dự kiến năm 2018 chỉ còn 19 đơn vị.

Các đại biểu tham gia đoàn giám sát đều cho rằng: Ngành y tế cần chủ động quy hoạch bài bản, có hệ thống, đồng bộ. Phát huy tốt công tác tham mưu của Sở Y tế đối với UBND tỉnh và sự điều phối đối với các sở, ngành, huyện, thị xã liên quan thực hiện quy hoạch. Cập nhật kịp thời các chỉ đạo của Trung ương để điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, các đơn vị cần xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, phân kỳ để tuyển dụng.

“Đầu tư trang thiết bị chỉ cần có tiền là mua được ngay. Nhưng kỹ năng thực hành của các bác sĩ cần phải có thời gian. Vì thế, cần phải có chính sách phù hợp trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và phải bắt đầu ngay từ bây giờ” - bác sĩ Từ Phương Nam, Phó giám đốc Sở Y tế cho biết.

Bác sĩ Lê Anh Tuấn, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh cho rằng: Để việc thu hút bác sĩ mới ra trường về làm việc tại Bình Phước có hiệu quả thì cần có chế độ hỗ trợ ban đầu như chỗ ở, mức lương phù hợp. Sắp tới, Bệnh viện đa khoa tỉnh nâng cấp lên quy mô 600 giường, cần đào tạo, tuyển dụng nhân lực từ bây giờ để khi đi vào hoạt động có đủ đội ngũ trình độ chuyên môn. Còn Phó chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập Phạm Hồng Khanh thì cho rằng: “Cần có chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với cán bộ y tế vùng sâu, xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Tăng chi ngân sách cho y tế, nhất là y tế cơ sở.

Ngọc Bích

  • Từ khóa
94382

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu