Thứ 6, 19/04/2024 17:55:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:43, 19/11/2013 GMT+7

Phê bình chân chính

Thứ 3, 19/11/2013 | 06:43:00 3,670 lượt xem

Ngày 4-11 vừa qua, Ban Tổ chức Trung ương Đảng đã ban hành Hướng dẫn số 22-HD/BTCTW hướng dẫn việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình năm 2013 gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng. Điểm mới trong hướng dẫn này là Ban Tổ chức Trung ương Đảng yêu cầu kiểm điểm làm rõ kết quả khắc phục, sửa chữa yếu kém, khuyết điểm đã được kết luận hoặc mới phát sinh sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) của các tập thể, cá nhân và đề ra nhiệm vụ, giải pháp khắc phục.

Kiểm điểm tự phê bình và phê bình trong Đảng nhằm giúp cán bộ, đảng viên nhìn nhận, đánh giá đúng đắn, khách quan và toàn diện về những ưu, khuyết điểm của bản thân cũng như của đồng chí mình. Thế nhưng trong các hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình hằng năm cũng như kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), tình trạng “ngại đụng chạm”, “dĩ hòa vi quý” vẫn còn khá phổ biến. Nhiều đồng chí thích nói nhiều về thành tích, ưu điểm của bản thân. Ngược lại rất ngại khi nói về khuyết điểm của mình, vì cho rằng làm vậy chẳng khác nào “vạch áo cho người xem lưng”. Có chăng chỉ nhận mình đôi lúc còn thiếu sâu sát trong công việc, tính tình “thương người” nên ngại phê bình khuyết điểm của người khác hoặc nóng nảy do... áp lực công việc!? Có đồng chí trong bản kiểm điểm “chỉ có nhiêu đó” cả ưu, khuyết điểm, năm nào cũng... giống nhau nên mọi việc coi như “giậm chân tại chỗ”. Việc phê bình đồng chí mình thì giữ quan điểm “người không đụng đến ta thì ta không đụng đến người”. Còn phê bình lãnh đạo, thủ trưởng đơn vị thì “hoàn toàn không”? Có đồng chí tâm sự rằng, bản thân mình biết nhiều, thậm chí biết rất rõ những chuyện thuộc hàng “thâm cung bí sử” của cơ quan và các lãnh đạo nhưng nói làm gì, góp ý làm gì... để nội bộ va chạm, bị định kiến, mang tiếng là người... lắm chuyện. Tốt nhất chỉ phát ngôn chung chung là được.

Tự phê bình và phê bình là vấn đề rất quan trọng trong nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng. Đảng yêu cầu mọi tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình. Trong phê bình có phê bình “trên xuống” và phê bình “dưới lên”. Phê bình không có nghĩa là sỉ vả, xúc phạm danh dự, “hạ nhục” nhau trước tập thể. Phê bình là thể hiện tình cảm đồng chí trong sáng, chân thành “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn. Phê bình phải mang tính khách quan, vô tư, có lý, có tình, cổ vũ ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, hạn chế, tồn tại của đồng chí, đồng đội mình. Phê bình phải trên nguyên tắc tôn trọng sự thật, tôn trọng lẽ phải, không “tô hồng” thành tích, “bôi đen” khuyết điểm. Chỉ có phê bình như thế mới là phê bình chân chính và có tác dụng. Tinh thần cơ bản này của tự phê bình và phê bình đã được thể hiện rất rõ trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.                       

Ngọc Nguyên

  • Từ khóa
1253

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu